Tăng thuế thuốc lá: Chính sách “cùng thắng” để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ổn định ngân sách quốc gia
Tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị tăng mạnh và tăng thường xuyên thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá – một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật, tử vong sớm và chi phí y tế khổng lồ tại Việt Nam. Các đề xuất được đưa ra không chỉ xuất phát từ thực tiễn cấp bách trong nước, mà còn dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tăng thuế thuốc lá – giải pháp “nhanh nhất, tiết kiệm nhất” để bảo vệ sức khỏe nhân dân
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh: Thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá – điều đã được WHO nhiều lần xác nhận. Theo tổ chức này, thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm tiêu thụ sản phẩm độc hại này.
Từ thực tế các quốc gia như Philippines và Thái Lan, Đại biểu dẫn chứng: Sau khi tăng mạnh thuế thuốc lá vào năm 2012, tỷ lệ hút thuốc tại Philippines đã giảm từ 27% xuống còn 19,5%, trong khi nguồn thu từ thuế lại tăng gấp hơn 4 lần – từ 680 triệu USD lên tới 2,9 tỷ USD vào năm 2022. Tại Thái Lan, từ năm 1993 đến 2017, việc tăng thuế thuốc lá tới 11 lần đã khiến tỷ lệ hút thuốc giảm mạnh từ 32% xuống còn 19,1% và ngân sách thu từ thuốc lá tăng từ 500 triệu USD lên 2,3 tỷ USD.
.png)
“Đây là một chính sách ‘cùng thắng’, win – win: thắng trong bảo vệ sức khỏe nhân dân và thắng trong tăng thu ngân sách Nhà nước”, Đại biểu Nguyễn Anh Trí khẳng định.
Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có thuế thuốc lá thấp nhất khu vực
Theo phân tích của Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Việt Nam hiện chỉ áp thuế thuốc lá ở mức khoảng 36% trên giá bán lẻ – thấp hơn nhiều so với các quốc gia ASEAN như Thái Lan (78,6%), Philippines (71,3%) hay Singapore (67,5%). Điều này khiến giá thuốc lá tại Việt Nam thuộc loại rẻ nhất Đông Nam Á, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp, đặc biệt là người có thu nhập thấp và thanh thiếu niên, dễ dàng tiếp cận sản phẩm độc hại này.
.jpg)
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nằm trong nhóm quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới với hơn triệu người hút, theo số liệu từ Bộ Y tế. Hằng năm, ước tính có hơn 100.000 ca tử vong liên quan đến thuốc lá. Chi phí điều trị và mất sức lao động do thuốc lá gây ra ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,5 tỷ USD), chiếm tới 1,14% GDP.
“Vì sinh mạng của nhân dân, xin đừng chần chừ hay nương nhẹ. Việc tăng thuế thuốc lá cần được tiến hành ngay, mạnh mẽ và thường xuyên”, Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Đề xuất tăng thuế từ đầu năm 2026 theo lộ trình cụ thể
Cùng quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) cho rằng việc tăng thuế thuốc lá không chỉ là một biện pháp tài khóa mà là một chiến lược toàn diện để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm tác hại của thuốc lá và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Từ thực tế thị trường, Đại biểu dẫn chứng: hiện có tới 40.000 nhãn hiệu thuốc lá đang được lưu hành, nhiều loại có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao, thậm chí chỉ 8.000 đồng/bao. Mức giá quá thấp khiến trẻ em, vị thành niên, người mới hút và người có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận, làm gia tăng nguy cơ nghiện hút thuốc.
.png)
Từ đó, Đại biểu đề xuất tăng thuế thuốc lá từ đầu năm 2026, theo mức khuyến nghị của WHO là: thuế suất tỷ lệ 75% và thuế tuyệt đối tối thiểu .000 đồng/bao. Đồng thời, cần có nghị định hướng dẫn cụ thể lộ trình tăng thuế từ năm 2026 đến 2030, điều chỉnh định kỳ 2 năm/lần theo tỷ lệ lạm phát để duy trì sức mua thực tế.
Bên cạnh việc tăng thuế, Đại biểu cũng nhấn mạnh cần ban hành quy định về giá bán lẻ tối thiểu có thuế do Nhà nước xác định để kiểm soát hiệu quả giá thuốc lá ngoài thị trường, hạn chế gian lận thương mại và hàng lậu.
Để đảm bảo hiệu quả của chính sách thuế, Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề xuất cần thiết lập cơ chế kiểm soát đồng bộ liên ngành, xử lý nghiêm nạn buôn lậu và hàng giả thuốc lá. Đồng thời, Nhà nước cần bổ sung nguồn lực cho các chương trình phòng chống tác hại thuốc lá – hiện đang phụ thuộc phần lớn vào Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế, trong khi chi phí y tế hàng năm do thuốc lá gây ra lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
“Tăng thuế thuốc lá không chỉ là quyết định kinh tế, mà còn là lựa chọn mang tầm chiến lược về y tế cộng đồng, về tương lai của thế hệ trẻ và chất lượng giống nòi Việt Nam”, Đại biểu nói.
Cả hai Đại biểu Nguyễn Anh Trí và Nguyễn Hoàng Uyên đều khẳng định: tăng thuế thuốc lá là bước đi cần thiết, cấp bách và hoàn toàn phù hợp với xu hướng quốc tế, cam kết với WHO cũng như Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030.
Với trách nhiệm trước sức khỏe nhân dân và tương lai phát triển của đất nước, các đại biểu kêu gọi Quốc hội, Chính phủ và Ban soạn thảo Dự luật cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ, cụ thể và quyết liệt hơn, để chính sách thuế thực sự trở thành công cụ hiệu quả trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.