Chuyên gia nói về vụ sụp lún đường ở Tây Ninh
PGS.TS Chu Công Minh, chuyên gia cầu đường, trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, sự cố sụp lún đoạn đường dẫn cầu Hòa Bình ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh khả năng cao do chất lượng nền móng.
Theo đó, khoảng 4h30’ sáng 11/5 xảy ra sự cố sụp lún đường dẫn vào cầu Hoà Bình, huyện Châu Thành, Tây Ninh.
Vị trí sụp lún có chiều dài khoảng 35-40m, chiều sâu khoảng 3m. Thời điểm trên có 7 người dân lưu thông qua cầu, đi vào khu vực sụp lún, gồm 1 xe ô tô chở 4 người và 2 mô tô chở 3 người.
Sau sự cố, có 5 người bị thương phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, 2 người còn lại là tài xế xe ô tô và tài xế xe gắn máy may mắn không bị thương.

Sự cố cũng làm hư hỏng 1 xe ô tô và 2 xe gắn máy.
Theo báo cáo của UBND huyện Châu Thành, nguyên nhân sự cố do túi bùn cục bộ nằm bên dưới đường đầu cầu bị trượt, gây sụp lún nền, mặt đường.
Chia sẻ thêm với Báo Công lý về sự cố này, PGS.TS Chu Công Minh, chuyên gia cầu đường, trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, có đến 80% nguyên nhân gây sụp lún là do nền móng không vững. Điều này có thể xuất phát từ vấn đề áp lực tiến độ công trình, khiến quá trình khảo sát địa chất, thi công, đầm nén không tốt dẫn đến lún sụp.
Theo PGS.TS Chu Công Minh, khu vực Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long với địa hình bằng phẳng, khí hậu thuận lợi phù hợp phát triển nông nghiệp nhưng lại là bài toán khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng giao thông.

Do đó, để phòng ngừa tình trạng sụp lún đường, PGS.TS Chu Công Minh cho rằng với các công trình hiện hữu xây dựng trên đất yếu bắt phải điều tra khảo sát để đánh giá khả năng xảy ra sự cố.
“Nếu mặt đường có hiện tượng lún vượt quá mức cho phép phải có biện pháp xử lý phù hợp. Trường hợp sụp lún nặng cần cấm đường để đảm bảo an toàn. Mặt khác, cơ quan chuyên môn cần có các cảm biến kiểm tra độ lún. Nếu kiểm tra ghi nhận vết nứt nhẹ do co ngót bê tông có thể xử lý tại chỗ. Con vết nứt lớn nguy cơ do lún sụt cần phải xử lý gia cố lại móng hoặc các biện pháp kỹ thuật khác”, PGS.TS Chu Công Minh nói.
Với các công trình mới, theo ông, cần khảo sát địa chất địa hình để có phương án xây dựng nền móng phù hợp, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, sau đó mới thi công.
Trong quá trình thi công cần kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Trong đó, chú ý đến trọng tải ô tô khi lưu thông trên đường , không cho xe quá tải chạy qua, gây ảnh hưởng chất lượng công trình.

Đối với sự cố đường dẫn cầu Hoà Bình, chuyên gia đề xuất phải gia cố lại móng, đắp lại mặt đường. Quá trình gia cố phải xử lý móng kỹ thông qua việc sử dụng cọc cát, giếng cát để đưa nước phía dưới lòng đất lên trên, tạo điều kiện cho các kết cấu đất đá liên kết với nhau, tạo độ vững chắc cho nền móng.
Cũng theo PGS.TS Chu Công Minh, hiện nay các công trình xây dựng cầu đường đều tuân theo tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành. Tiêu chuẩn dùng chung áp dụng cho các công trình, tuy nhiên khi xây dựng công trình đơn vị thi công phải thực hiện quá trình khảo sát địa hình, địa chất khu vực để đánh giá và có phương án xây dựng phù hợp.
“Với khu vực có loại đất, địa chất, địa hình khác nhau sẽ có phương thức xử lý nền móng khác nhau. Yêu cầu số một để xây dựng một công trình xây dựng chất lượng là phải nghiêm túc, đúng quy trình vì yếu tố này đảm bảo vấn đề an toàn trong quá trình vận hành, khai thác”, PGS.TS Chu Công Minh nói thêm.
Công trình cầu Hòa Bình và đoạn đường dẫn vừa được khánh thành vào ngày 25/4, sớm hơn dự kiến 1,5 tháng. Đây là đoạn bắc qua kênh Sóc Hòa Hội, nối liền 2 xã Hòa Hội và Hòa Thạnh, huyện Châu Thành với đường liên xã và mạng lưới giao thông trên tuyến biên giới của tỉnh.
Dự án có tổng chiều dài thiết kế 450m, rộng 12m. Công trình cầu Hòa Bình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Vũ Hoan là đơn vị thi công.
Liên quan đến sự cố trên, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Khu Quản lý đường bộ IV, Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh rà soát tình trạng kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý; tổ chức khắc phục kịp thời các hư hỏng do thiên tai gây ra để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt; kiểm tra, đôn đốc các Nhà đầu tư BOT quản lý, vận hành khai thác quốc lộ thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai đối với công trình trong thời gian hợp đồng dự án. Trong quá trình thực hiện, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh hướng dẫn hoặc tham mưu cho UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo UBND cấp huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan khác phục hư hỏng công trình cầu Hòa Bình tại huyện Châu Thành bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.