Tòa tuyên án

Hơn 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả bị "phù phép" như thế nào?

Trang Trần 13/05/2025 - 17:56

Hơn 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả được sản xuất tinh vi, tiêu thụ rộng khắp nhiều tỉnh, thành với chiêu bài ký kết giao dịch, vận chuyển chuyên nghiệp như một doanh nghiệp thực thụ.

12-5-sgk.jpg
Sách giả được “sản xuất như thật” trong đường dây liên tỉnh

Sách giả đội lốt thật…

Mỗi năm, hàng triệu cuốn sách giáo khoa được in mới, đồng hành cùng học sinh trên hành trình tích lũy tri thức, nhưng khi sách giả len lỏi vào nhà trường, vào tay phụ huynh và học sinh, tri thức cũng trở thành nạn nhân của sự gian dối.

Ngày 12/5, tại TP. Đà Nẵng, 13 bị cáo hầu tòa vì liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán hơn 1,6 triệu bản sách giáo khoa giả. Một con số không chỉ gây choáng ngợp, mà còn đặt ra dấu hỏi lớn về lỗ hổng trong quản lý và sự liều lĩnh của những kẻ vì lợi nhuận mà bất chấp gieo rắc hệ lụy lâu dài cho xã hội.

Trong vụ án này, Nguyễn Trung Luật (SN 1981, trú quận 12, TP. Hồ Chí Minh) người được xác định là kẻ cầm đầu, tổ chức sản xuất và tiêu thụ hơn 1,6 triệu cuốn sách giả, làm giả nhãn hiệu của hai nhà xuất bản lớn là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

12-5-tatp-sgk1.jpg
13 bị cáo trong đường dây phù phép hơn 1,6 triệu sách giáo khoa giả hầu tòa

Theo cáo trạng, Nguyễn Trung Luật đã tổ chức in và cho ra lò tổng cộng 1.648.737 cuốn sách thành phẩm và 347.220 bản in bán thành phẩm chưa gia công hoàn thiện. Tất cả đều là sách giả, mạo danh sách giáo khoa chính thống, với tổng trị giá theo giá bìa lên đến hơn 51 tỷ đồng. Đây là con số khổng lồ, thể hiện mức độ nghiêm trọng của vụ án, không chỉ về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và niềm tin của xã hội.

Để sản xuất và tiêu thụ số lượng lớn sách giả này, Luật đã thiết lập một mạng lưới vận hành chặt chẽ như một doanh nghiệp thật sự, với nhiều mắt xích, từ in ấn, vận chuyển đến phân phối tiêu thụ.

Trong đó, Phạm Ngọc Quang (SN 1977, trú quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) chịu trách nhiệm in ấn, được trả thù lao 270.000 đồng/ram giấy in 4 màu và 160.000 đồng/ram giấy in 2 màu.

Quang trực tiếp quản lý xưởng in, tuyển dụng nhân công và mua tem giả dán lên sản phẩm, khoảng 600.000 tem. Hỗ trợ Quang là Phan Xuân Năng (SN 1990, trú quận 12), nhận mức lương triệu đồng/tháng. Còn Trần Huy Cường (SN 1971) phụ trách bản kẽm in sách, hưởng 8 triệu đồng/tháng.

Để vận chuyển sách, Luật thuê Lê Hà Thanh (SN 2001, trú huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lái xe Mercedes Sprinter, kiêm trông kho và xuất hàng với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Việc giao nhận diễn ra chuyên nghiệp, giống mô hình của các doanh nghiệp phân phối hợp pháp, khiến hoạt động phi pháp này càng khó bị phát hiện.

Trong giai đoạn phân phối, Luật bán sách với mức chiết khấu cực cao, lên đến 69% so với giá bìa. Phạm Thạch Kim Điền (SN 1985, trú quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) là người tiêu thụ số lượng lớn nhất, với 251 đơn hàng tương đương 1.176.744 cuốn sách, giá trị gần 38 tỷ đồng. Tiếp đó là Phạm Tin (SN 1982, trú TP. Thủ Đức) nhận 17 đơn hàng, tổng cộng 86.274 cuốn, trị giá hơn 3 tỷ đồng. Những con số cho thấy đường dây này đã vươn dài khắp các tỉnh, thành và len lỏi vào thị trường giáo dục một cách đáng báo động.

Mạng lưới tiêu thụ rải khắp nhiều tỉnh thành

Từ TP. Hồ Chí Minh, các đầu sách giả được vận chuyển đi khắp nơi bằng nhiều phương tiện. Nguyễn Văn Tiến (SN 1994) lái một chiếc Mercedes Sprinter khác, vận chuyển sách cho Điền theo mức 400.000 đồng/chuyến dưới 10km, hoặc 20.000 đồng/km nếu đi xa hơn. Điền cũng thuê Phạm Đức Hậu (SN 1973, trú quận 8) phụ trách quản lý kho hàng, nhận hàng và điều phối đơn, với mức lương 8 triệu đồng/tháng.

12-5-tatp-sgk2.jpg

Tại TP. Đà Nẵng, Lê Duy Quang (SN 1982, trú quận Sơn Trà) là mắt xích tiêu thụ chủ lực. Quang đã mua 9 đơn hàng với tổng số 19.804 cuốn sách, có giá bìa hơn 632 triệu đồng, nhưng sau chiết khấu chỉ còn 270 triệu đồng.

Đáng chú ý, Quang mới thanh toán hơn 210 triệu đồng, còn nợ gần 60 triệu đồng. Để vận hành việc này, Quang thuê Lê Minh Trí (SN 1988) hỗ trợ kiểm đếm, đóng gói, vận chuyển với mức lương 7 triệu đồng/tháng.

Quang còn mở rộng nguồn hàng bằng cách mua từ Trần Ngọc Tấn (SN 1990, trú tỉnh Đồng Nai) 416 cuốn sách Tiếng Anh giả, có giá bìa hơn 31 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ trả hơn 9,5 triệu đồng và vẫn chưa thanh toán. Từ đây, sách tiếp tục được phân phối cho các nhà sách tại Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận, với chiết khấu dao động từ 35 – 40%, đem lại lợi nhuận khoảng 10% mỗi cuốn cho Quang.

Không dừng lại ở đó, Nguyễn Văn Ánh (SN 1980, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) cũng bị cáo buộc đã mua 4.795 cuốn sách giả từ Điền, tổng giá bìa hơn 302 triệu đồng, nhưng chỉ trả hơn 103 triệu đồng sau chiết khấu. Ánh mới thanh toán 50 triệu đồng, số còn lại vẫn nợ. Số sách này tiếp tục được bán lại cho nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm địa phương với chiết khấu 50%, hưởng chênh lệch khoảng 10%.

Đáng nói, toàn bộ hoạt động từ sản xuất đến tiêu thụ đều có tổ chức, phân vai rõ ràng, chi tiết. Từng bị cáo đều tham gia theo chức năng, nhận lương và nhiệm vụ cụ thể như một dây chuyền sản xuất – kinh doanh thực sự.

Việc sử dụng tem giả, vận hành xe tải có thương hiệu, ký gửi hàng tại kho, giao nhận hợp đồng bằng văn bản... đã khiến quá trình “phù phép” sách giả trở nên tinh vi, che mắt người tiêu dùng lẫn cơ quan chức năng trong thời gian dài.

Lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện và thu giữ 385.719 cuốn thành phẩm cùng 347.220 bản in bán thành phẩm chưa kịp đưa ra thị trường, tránh được hậu quả nặng nề hơn cho xã hội.

Tuy nhiên, hàng triệu cuốn sách giả đã lọt ra thị trường, đến tay người tiêu dùng, trong đó không ít là học sinh, phụ huynh – là dấu hiệu đáng lo ngại về lỗ hổng trong quản lý xuất bản và kinh doanh giáo dục.

Với quy mô lớn, giá trị giao dịch hàng chục tỷ đồng, đường dây này không chỉ vi phạm pháp luật hình sự, mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của các nhà xuất bản chính thống, làm rối loạn thị trường sách giáo khoa, ảnh hưởng đến quyền lợi người học và môi trường giáo dục nói chung.

Phiên tòa xét xử lần này không chỉ nhằm xử lý hình sự, mà còn là hồi chuông cảnh báo về công tác giám sát, kiểm tra thị trường xuất bản phẩm và trách nhiệm của các ngành chức năng.

12-5-tatp-sgk3.jpg
Luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo

Sau 2 ngày xét xử (12,13/5), HĐXX TAND TP. Đà Nẵng đã tuyên phạt Nguyễn Trung Luật mức án 12 năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả". Các bị cáo Phạm Ngọc Quang mức án 7 năm tù, Phan Xuân Năng mức án 7 năm 6 tháng tù và Trần Huy Cường mức án 4 năm 6 tháng tù cùng về tội “Sản xuất hàng giả”;

Các bị cáo Lê Hà Thanh mức án 8 năm 6 tháng tù, Phạm Thạch Kim Điền mức án 9 năm tù, Phạm Đức Hậu mức án 4 năm 6 tháng, Nguyễn Văn Tiến mức án 3 năm tù, Phạm Tin mức án 6 năm tù, Lê Duy Quang mức án 6 năm tù, Lê Minh Trí mức án 3 năm tù, Nguyễn Văn Ánh mức án 21 tháng tù, Trần Ngọc Tấn phạt số tiền 200 triệu đồng cùng về tội “Buôn bán hàng giả”.

Hơn 1,6 triệu cuốn sách giả không chỉ là con số thống kê khô khốc trong cáo trạng. Đó là những mầm mống sai lệch đã len lỏi vào môi trường học đường, nơi lẽ ra phải được giữ gìn như vùng đất sạch cho tri thức và nhân cách nảy mầm.

Những bị cáo có thể chịu mức án tương xứng với hành vi, nhưng hậu quả của sách giả thì không thể đo đếm bằng thời gian thụ án.

Đằng sau lợi nhuận khổng lồ và các phi vụ mua bán là vết nứt về niềm tin- khi sách giáo khoa, biểu tượng của chuẩn mực giáo dục, lại trở thành mặt hàng bị làm giả một cách tinh vi và có hệ thống.

Trang Trần