Tin địa phương

Ninh Thuận: Người dân tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Phan Trà 14/05/2025 - 09:42

Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo nghị quyết, bao gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày. Theo dự thảo, nội dung sửa đổi, bổ sung trọng tâm là 2 nhóm, gồm: Các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Các nội dung có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội và sự vận hành của hệ thống chính trị. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã nhận được sự quan tâm từ đông đảo người dân trong tỉnh.

Để kịp thời lấy kiến rộng rãi người dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia ý kiến. Trong đó, phát huy vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đối với dự thảo nghị quyết này, Ủy ban MTTQ Việt Nam, tỉnh đã triển khai đa dạng các hình thức lấy ý kiến người dân như: Góp ý trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử), tổ chức hội nghị, góp ý trên cổng thông tin điện tử cơ quan, tổ chức, MTTQ địa phương các cấp từ ngày 7 đến 30/5.

nt-1.jpg
Người dân khu phố 8, phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) sử dụng VNeID góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đồng chí Đổng Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Bên cạnh tiếp thu, tổng hợp ý kiến, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh còn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia góp ý kiến bằng các hình thức phù hợp.

Trong đó, đội ngũ cán bộ Mặt trận, đảng viên, hội viên các hội, đoàn thể phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm trong công tác phổ biến, quán triệt về mục đích, ý nghĩa, nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Qua đó nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần trách nhiệm với đất nước, dân tộc trong toàn dân, đưa việc đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng.

Ông Thái Đức Dũng, thôn Công Thành, xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: Tôi thống nhất với chủ trương về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Việc làm này là thực sự cần thiết và cấp bách, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn đầu mối, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về tổ chức lại các đơn vị hành chính và chính quyền địa phương.

nt-2.jpg
Cán bộ công an hướng dẫn người dân phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) sử dụng VNeID để góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Bên cạnh những hình thức truyền thống, người dân có thể góp ý kiến trên trên các nền tảng số như: Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, nhất là trên ứng dụng VneID... Nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 260/KH-BCA ngày 5/5/2025 của Bộ Công an về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp qua ứng dụng VNeID, các sở, ban, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ nhằm nâng cao số lượng người dân tham gia đóng góp ý kiến trên ứng dụng VNeID.

Tại cơ sở, cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã nhanh chóng lập các tổ công tác xuống tận địa bàn, từng nhà dân giải thích rõ các nội dung sửa đổi, nhấn mạnh những điểm mới liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ công dân; những nội dung cốt lõi trong dự thảo. Qua đó người dân tích cực trao đổi và tham gia với những ý kiến xác đáng, phản ánh nguyện vọng, kiến nghị từ thực tiễn cuộc sống.

Ông Ngô Quốc Sách ở khu phố 8, phường Đô Vinh (TP. Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết: Đối với người dân chúng tôi, tham gia ý kiến trên ứng dụng VNeID rất thuận tiện và dễ dàng. Việc ứng dụng công nghệ số vào lấy ý kiến người dân đã cho thấy bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ nhân dân hiệu quả, thiết thực, đúng với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Đây cũng là “nền tảng” để về sau lấy ý kiến người dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách bài bản, đại chúng hơn.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là một yêu cầu khách quan và cần thiết, mở ra cơ hội lớn để đất nước phát triển bền vững hơn với các tầm nhìn dài hạn đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới. Do đó, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm của mình với đất nước, với dân tộc bằng cách chủ động và tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.

Phan Tr