Kinh tế

Hội thảo Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ kinh tế

Thái Đoàn 14/05/2025 - 17:40

Sáng 14/5, Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ kinh tế”.

1-ht-sua-doi.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Hội thảo có sự tham gia nhiều chuyên gia luật nhiều năm nghiên cứu về công tác THADS như: GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM; TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam; PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM; Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh Tòa hình sự, TAND TP.HCM; Luật sư Lê Hồng Nguyên, Ủy viên ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM; TS Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM; TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế, ĐHQG TP.HCM; Luật sư Nguyễn Thành Công; Ủy viên BCN Đoàn Luật sư TP.HCM… cùng nhiều chuyên gia uy tín khác.

Hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ kinh tế” nhằm góp phần thúc đẩy quá trình thể chế hóa những chủ trương, chính sách của Đảng – trong đó có Nghị quyết 68 nói trên – để các chủ trương, chính sách sớm đi vào cuộc sống, nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình.

2-hoi-thao.jpg
Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM mong muốn, các chuyên gia cùng nhau phân tích những khó khăn, vướng mắc hiện tại, đối chiếu với các quy định pháp luật. Đặc biệt là đề xuất những giải pháp, những kiến nghị để hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự, đặc biệt trong việc xử lý tài sản các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Báo Pháp luật TP.HCM mong muốn không chỉ là cầu nối thông tin giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp, mà còn là một kênh đóng góp ý kiến thiết thực vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần sửa đổi Luật THADS mà còn lan tỏa đến các luật liên quan khác, tạo nên một hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả, bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, khơi thông dòng chảy kinh tế và thu hút đầu tư.

4-hoi-thao-sua-doi.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Trước yêu cầu thực tiễn, sau hơn 16 năm thi hành Luật Thi hành án dân sự (THADS) 2008, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật THADS (sửa đổi).

Theo dự thảo tờ trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật THADS năm 2008 đã từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác THADS.

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày về phát triển kinh tế tư nhân. Theo tinh thần của Nghị quyết 68, Nhà nước đảm bảo tạo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân.

Đặc biệt, Nghị quyết đã đề ra biện pháp chống hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế đảm bảo nguyên tắc “ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước”. Theo đó, “trường hợp áp dụng thực tiễn pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo”.

Nghị quyết cũng yêu cầu phải bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức… Có thể thấy, theo tinh thần của Nghị quyết 68 thì trong một vụ án, việc xử lý tài sản để khắc phục hậu quả là vô cùng quan trọng.

Nghị quyết 68 sẽ khơi thông môi trường kinh doanh, đảm bảo sự an tâm, an toàn cho doanh nhân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần phải được thể chế hóa, phải được chuyển hóa vào các văn bản pháp luật liên quan, trong đó có dự luật THADS sửa đổi mà Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng.

3-ht-sua-doi.jpg
TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo có nhiều ý kiến trình bày tham luận như: “Mua tài sản thi hành án: Những lưu ý để tránh các rủi ro và cơ chế bảo vệ người mua trúng đấu giá, nhất là bất động sản trong các vụ án kinh tế” của ông Ngụy Cao Thắng; Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM; “Thực tiễn, những bất cập trong định giá bất động sản là tài sản thi hành án liên quan đến phương pháp định giá và thời điểm định giá tài sản trong các vụ án kinh tế” của Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; “Các vướng mắc thường gặp liên quan đến việc xử lý tài sản thi hành án là bất động sản trong các vụ án kinh tế nhìn từ thực tiễn” với phần trình bày của Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM...

img_17.jpg
Chuyên gia đóng góp ý kiến chuyên sâu tại hội thảo

Tại phần thảo luận chuyên sâu nhiều chuyên gia cho rằng, dự thảo luật THADS cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan TAND, Viện KSND, Cơ quan Thi hành án dân sự; Bổ sung quy trình định giá tài sản đối với tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường; cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp tại các doanh nghiệp; Luật THADS cần phù hợp với thực tiển khi Nghị quyết 68 được ban hành; Những tài sản chưa đảm bảo tính pháp lý cần những cơ chế đặc biệt; Nhiều trường hợp mua đấu giá tài sản nhưng không nhận được tài sản cần phải có quy định, cơ chế phù hợp cho người trúng đấu giá…

Bế mạc Hội nghị, Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp Luật TP.HCM đã cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp, các bài tham luận của các chuyên gia Ban Tổ chức sẽ tổng hợp các kiến nghị để gửi tới các Bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan, với mong muốn được góp ý để dự thảo Luật THADS (sửa đổi) hoàn thiện hơn.

Thái Đon