Kinh tế

Đơn giản quy trình, thủ tục ngân sách nhà nước

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 14/05/2025 - 17:58

Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) cắt giảm, đơn giản quy trình, thủ tục trong quy trình ngân sách nhà nước. Thúc đẩy cơ cấu lại ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả...

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9, chiều 14/5, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Dự thảo Luật có 7 chương, gồm 76 điều quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, công khai, giám sát ngân sách nhà nước (NSNN); nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực này.

thu1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Dự thảo Luật bổ sung 14 nội dung mới. Trong đó, bổ sung các nhiệm vụ chi được chuyển nguồn; các khoản phụ cấp, trợ cấp, các khoản tính theo tiền lương, chi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chi dự trữ quốc gia; chi viện trợ cho các Chính phủ nước ngoài; các khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, các khoản đóng góp tự nguyện đã được xác định nhiệm vụ chi cụ thể; các khoản kinh phí phải hoàn trả ngân sách cấp trên theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán.

Về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, dự thảo Luật cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục về quy trình xây dựng và thông báo số kiểm tra thu, chi ngân sách hàng năm, dự kiến thu, chi ngân sách 2 năm tiếp theo cho các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương; quy trình xây dựng và báo cáo kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm đến các cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, xác định tỷ lệ phân chia một số khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương do tỷ lệ phân chia đã được quy định, giảm bớt quá trình xác định tỷ lệ phân chia sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách.

thu3.jpeg
Toàn cảnh kỳ họp.

Việc cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục cũng áp dụng với trình tự và yêu cầu lập dự toán chi, nhất là lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; về xử lý nhu cầu kinh phí tăng thêm đối với các chế độ, chính sách do Luật quy định theo hướng lập dự toán ngân sách năm sau bao quát các chế độ, chính sách tại thời điểm lập.

Trong quá trình chấp hành ngân sách, đã cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục do đã sửa Luật theo hướng tăng phân cấp, phân quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND các cấp: liên quan đến việc điều chỉnh dự toán ngân sách; (bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, bổ sung kinh phí từ các khoản dự toán chưa phân bổ chi tiết đầu năm; đơn giản hóa quá trình kiểm tra phân bổ, kiểm soát thanh toán do đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị dự toán và đơn vị sử dụng ngân sách…

Đối với quá trình quyết toán NSNN, dự thảo Luật đã đơn giản hóa và giảm thủ tục gồm: quy trình kiểm tra và nội dung, thủ tục xét duyệt quyết toán của cơ quan tài chính và đơn vị dự toán cấp I; bỏ thủ tục thẩm định quyết toán của cơ quan tài chính cấp trên đối với ngân sách cấp dưới trực tiếp ở địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, Luật được xây dựng để thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về ngân sách nhà nước; đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương. Đồng thời, dự án Luật phân định trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, gắn với quyền và trách nhiệm của từng cấp theo phương châm "cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời nhất thì giao cho cấp đó thực hiện"; "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp.

thu2.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi.

Đặc biệt là cắt giảm, đơn giản quy trình, thủ tục trong quy trình ngân sách nhà nước. Thúc đẩy cơ cấu lại ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình.

Chỉ quy định trong Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cơ bản nhất trí với việc thay đổi phương thức phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Theo đó, bỏ quy định các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách.

Về phạm vi, đa số ý kiến nhận thấy, việc thực hiện phân cấp nguồn thu giữa Trung ương và địa phương có ảnh hưởng lớn tới nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là quy định mới, cần có thời gian đánh giá mức độ phù hợp, khả thi, hiệu quả trong thực tế.

Vì vậy, chỉ quy định việc phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương; giao HĐND cấp tỉnh quyết định việc phân cấp nguồn thu giữa các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt trong bối cảnh việc sáp nhập các xã, cần có thời gian để làm rõ quy mô, cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã để bố trí ngân sách và phân cấp nhiệm vụ, thẩm quyền phù hợp trong quản lý điều hành ngân sách. Đa số ý kiến nhất trí chỉ quy định trong dự thảo Luật về nguyên tắc, các nguồn thu phân chia. Giao Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ phân chia trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội (Điều 19), đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành, vì việc quy định mức chi cụ thể đối với các lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm việc thể chế hóa các quy định tại các Nghị quyết của Trung ương về các lĩnh vực này.

Duy Tuấn - Hữu Tuấn