Giải quyết triệt để các bất động sản tồn kho
Những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, việc tồn kho sản phẩm sẽ tạo ra những áp lực lớn, đè nặng lên doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê từ VietstockFinance dựa trên báo cáo tài chính của 103 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) được niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tính đến hết quý I/2025, số tồn kho BĐS tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Một số “ông lớn” trong ngành BĐS có tỷ lệ tồn kho lớn, như: Novaland với hơn 146.600 tỷ đồng, chiếm gần 30% số hàng tồn kho toàn thị trường; Công ty Nhà Khang Điền hơn 22.000 tỷ đồng; Công ty Nam Long gần 19.100 tỷ đồng; Công ty CP Đất Xanh hơn 13.400 tỷ đồng...
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS có tỷ lệ hàng tồn kho chiếm đến trên 50% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp (DN), như: Công ty Nhà Khang Điền, chiếm 76%; Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tồn kho 7.000 tỷ đồng, chiếm 90%; Công ty Nam Long, chiếm 65%...
Trong khi đó, ở nhóm BĐS khu công nghiệp, Công ty CP đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC) đứng đầu với hơn 21.200 tỷ đồng tồn kho, tăng 7%; Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đứng thứ hai với hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 13%.
Một số liệu thống kê khác từ Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng sản phẩm BĐS tồn kho chủ yếu nằm trong các dự án, bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền. Sự gia tăng tồn kho BĐS lên mức cao kỷ lục phản ánh tình hình khó khăn của ngành, nhưng cũng đồng thời là một cơ hội cho DN sáng tạo trong việc tìm kiếm giải pháp giảm tồn kho; và DN sẽ buộc phải tập trung vào việc tái cấu trúc và điều chỉnh chiến lược để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
TS Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, để giải quyết tình trạng này, phía DN một mặt phải đẩy mạnh tái cơ cấu phân khúc sản phẩm đầu tư, hướng đến nhu cầu thực của thị trường; một mặt chủ động nâng cấp chất lượng, tiện ích dịch vụ sản phẩm đã hoàn thiện, kèm theo đó là chính sách bán hàng linh hoạt.
Đối với cơ quan Nhà nước cần sớm ban hành những quy định, để đẩy nhanh việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án đang triển khai.
Đối với những DN kinh doanh BĐS đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, việc tồn kho sản phẩm sẽ tạo ra những áp lực lớn, đè nặng lên DN. Nhưng sản phẩm tồn kho ở những dự án đang chưa hoàn thiện mới thực sự là nỗi lo, loại hàng này không chỉ bào mòn “sức khỏe” tài chính mà còn có thể dẫn đến tình trạng phá sản của DN. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải quyết liệt hơn, trong việc thực hiện những giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho thị trường BĐS nói chung và các dự án BĐS (khoảng 1.553 dự án) nói riêng, tạo thêm nguồn lực, giảm thiểu rủi ro cho cả DN và người dân.