Tư vấn pháp luật

Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, chế tài xử lý ra sao?

Việt An 17/05/2025 09:39

Thời gian qua, không ít cá nhân đã lợi dụng danh tiếng của mình để “thổi phồng”, chậm chí quảng cáo sai sự thật sản phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và dần “bào mòn” niềm tin của người tiêu dùng. Vậy hành vi này sẽ bị xử lý hành chính hay hình sự?

Bạn đọc Mai Văn Tình, Hà Nội hỏi: Trong thời đại số hóa, việc quảng bá sản phẩm trên mạng đem lại nguồn thu nhập quan trọng cho người nổi tiếng. Tuy nhiên, không ít người lợi dụng danh tiếng của mình để “thổi phồng”, chậm chí quảng cáo sai sự thật sản phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và dần “bào mòn” niềm tin của người tiêu dùng. Vậy chế tài xử lý những trường hợp này đã thật sự đủ “mạnh tay”?

Luật sư Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty luật TNHH Chính Tín, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, trả lời:

Khi một người nổi tiếng lợi dụng danh tiếng của mình để quảng bá sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm chưa được kiểm chứng về chất lượng hoặc có thể gây hại cho người tiêu dùng, hành vi này không thể chỉ coi là "chia sẻ trải nghiệm cá nhân".

Thực tế, đó là một hành vi thương mại có mục đích và nếu hành vi quảng bá này gây thiệt hại cho người tiêu dùng, những cá nhân thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm pháp lý đầy đủ, bao gồm trách nhiệm dân sự và hình sự nếu các yếu tố cấu thành tội phạm được thỏa mãn.

luat-su-nguyen-khanh-toan.jpg
Luật sư Nguyễn Khánh Toàn.

Khi vi phạm pháp luật, mọi cá nhân, dù là nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOLs (người có sức ảnh hưởng) hay bất kỳ ai đều phải chịu trách nhiệm như nhau. Sự công bằng và minh bạch trong việc xử lý vi phạm mới bảo vệ được nguyên tắc thượng tôn pháp luật và giữ vững niềm tin của xã hội vào hệ thống pháp lý.

Về chế tài xử lý người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 38/2021 hoặc xử lý hình sự về tội Quảng cáo gian dối, theo điều 197 Bộ luật Hình sự.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 34 NĐ 38/2021/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, không đúng hoặc gây nhầm lẫn khiến người tiêu dùng hiểu sai về sản phẩm là phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng; tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 160 triệu đồng.

Nếu tổ chức, cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo không đúng sự thật theo quy định của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo mà vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 197 của Bộ luật Hình sự 20 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cụ thể, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo luật sư Toàn, quảng cáo sai sự thật cần được tiếp cận như một vấn đề mang tính hệ thống, đòi hỏi một chiến lược tổng thể từ việc hoàn thiện pháp luật đến kiểm soát và thực thi.

Mọi cá nhân tham gia quảng bá sản phẩm cần công khai mối quan hệ tài chính với nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, đồng thời phải đảm bảo cung cấp thông tin rõ ràng về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Pháp luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, bao gồm các chế tài dân sự, hành chính và hình sự khi cần thiết.

Các cơ quan chức năng cần thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn, bảo đảm rằng thông tin quảng cáo không chỉ chính xác mà còn đầy đủ, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và xây dựng niềm tin vững chắc trong xã hội.

Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, không chỉ dựa vào sự quảng bá từ những người nổi tiếng mà phải tự mình tìm hiểu thông tin về sản phẩm, trở thành những người tiêu dùng thông thái và bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Việt An