Chuyển động

Mỹ và Trung Đông - một liên minh mới đang hình thành?

Quỳnh Trâm 17/05/2025 - 17:06

Chuyến công du vùng Vịnh của Tổng thống Trump đánh dấu sự thiết lập lại quan hệ và cam kết lâu dài của Mỹ? Những thông điệp về tình bạn, tôn trọng lẫn nhau và sự liên kết chiến lược mới xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông trong suốt chuyến thăm.

Một chương mới trong mối quan hệ

Ngày 16/5, Tổng thống Donald Trump đã kết thúc chuyến công du tới vùng Vịnh, đánh dấu sự kiện mà các nhà quan sát khu vực coi là sự tái thiết lập quan hệ giữa Washington và các đồng minh chủ chốt Ả Rập.

Chuyến công du 4 ngày của ông Trump đến Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Arab Saudi và Qatar đã đặt nền móng cho một chương mới trong mối quan hệ của Mỹ và khu vực, với những kết quả có thể vẫn còn sau thời gian tại nhiệm của ông.

my-va-trung-dong.jpg
Tổng thống UAE Sheikh Mohamed trao tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump Huân chương Zayed tại buổi tiếp tân cấp nhà nước ở Abu Dhabi. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống UAE)

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Trump đã cam kết dành 2 nghìn tỷ đô la cho các thỏa thuận thương mại và cam kết đầu tư với UAE, tập trung vào các lĩnh vực bao gồm hàng không, trí tuệ nhân tạo, công nghệ, quốc phòng và năng lượng.

Chuyến thăm cũng mang tính biểu tượng rõ rệt với thông điệp về tình hữu nghị, sự tôn trọng lẫn nhau và sự liên kết chiến lược mới, thể hiện ở mọi điểm dừng chân.

Từ Riyadh đến Doha và Abu Dhabi, các nhà lãnh đạo vùng Vịnh đã chào đón ông Trump bằng những nghi lễ long trọng.

Tại Riyadh, Thái tử Saudi Mohammed bin Salman không theo nghi thức hoàng gia mà đích thân chào đón Tổng thống trên đường băng sân bay.

Tại Doha, đoàn xe của ông Trump được hộ tống bởi những chiếc Tesla Cybertruck màu đỏ và kỵ binh.

Tại Abu Dhabi, Tổng thống Mohamed bin Zayed đã trao tặng ông Trump Huân chương Zayed, danh hiệu dân sự cao quý nhất của đất nước.

Đây là chuyến thăm nước ngoài chính thức đầu tiên của ông Trump kể từ khi trở lại nhiệm sở và nhằm trấn an các đồng minh rằng Washington vẫn quan tâm sâu sắc đến an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Mặc dù đều muốn tăng cường quan hệ với Mỹ, mỗi quốc gia vùng Vịnh vẫn thể hiện những mong muốn khác nhau. Trong khi Arab Saudi thể hiện sức mạnh địa chính trị của mình, UAE nhấn mạnh vào đổi mới, thương mại và kết nối, Qatar lại tập trung vào hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực.

Nhìn về phía trước

Trong suốt chuyến đi, ông Trump đều nhấn mạnh tầm nhìn của mình về một Trung Đông hòa bình và ổn định hơn. “Sau nhiều thập kỷ xung đột, cuối cùng chúng ta cũng có thể chạm tới tương lai mà nhiều thế hệ trước chỉ có thể mơ ước, một vùng đất hòa bình, an toàn, hòa hợp, cơ hội, đổi mới và thành tựu, ngay tại Trung Đông”, ông phát biểu trong bài phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Saudi-Mỹ tại Trung tâm hội nghị quốc tế King Abdulaziz ở Riyadh.

Trong một sự thay đổi lớn về chính sách đối ngoại, cũng trong bài phát biểu này, ông Trump đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Syria. Mặc dù động thái này mang lại lợi ích rõ ràng cho Damascus, nhưng nó cũng đánh dấu một chiến thắng chính trị của Tổng thống trong việc thúc đẩy sự ổn định ở khu vực.

Việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt - vốn đã cắt đứt Syria khỏi hệ thống tài chính toàn cầu - sẽ mở đường cho sự tham gia lớn hơn của các tổ chức nhân đạo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho dòng đầu tư và thương mại nước ngoài khi đất nước này bắt đầu tái thiết sau khi chế độ Assad bị lật đổ vào tháng 12.

quoc_vuong.jpg
Quốc vương Qatar đón tiếp Tổng thống Mỹ tại sự kiện ở Doha ngày 14/5. Ảnh: AP

Động thái này diễn ra sau cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Syria Ahmad Al Shara - cuộc gặp đầu tiên giữa nguyên thủ hai quốc gia trong vòng một phần tư thế kỷ.

Tổng thống Trump cũng nhắc đến Lebanon. Ông cho biết đất nước này đã gặp nhiều khó khăn vì xung đột, nhưng ông bày tỏ sự lạc quan về lãnh đạo mới ở Beirut, gọi đây là "cơ hội thực sự đầu tiên sau nhiều thập kỷ cho một quan hệ đối tác hiệu quả hơn với Mỹ".

Về Iran, phát biểu tại Doha, ông Trump cho biết một thỏa thuận hạt nhân đã "gần kề". Washington và Tehran đã tổ chức 4 vòng đàm phán hạt nhân kể từ tháng 4, tất cả đều do Oman làm trung gian. Các cuộc đàm phán nhằm mục đích ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân. "Nhiều người muốn tôi đi theo con đường khác", ông Trump nói, nhưng ông sẽ “chọn con đường ngoại giao”.

Tuy nhiên, một số mục tiêu khu vực của ông Trump vẫn nằm ngoài tầm với. Bất chấp mong muốn mở rộng Hiệp định Abraham, Arab Saudi trước đó đã nói rõ rằng việc thiết lập quan hệ với Israel vẫn "không được đưa ra bàn thảo" vì không có con đường nào dẫn tới việc thừa nhận nhà nước Palestine.

Các nhà trung gian Mỹ, Qatar và Ai Cập đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Israel-Gaza.

Khi Không lực Một rời khỏi khu vực, chuyến đi của ông Trump đã đạt được mục tiêu mở ra các kênh hợp tác mới.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nhiều người ở vùng Vịnh đã thất vọng khi Mỹ không phản ứng quân sự trước cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa năm 2019 vào các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi mà Iran bị cáo buộc đứng sau.

Bất chấp mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công, làm giảm một nửa sản lượng dầu của nước này, ông Trump đã chọn các biện pháp trừng phạt thay vì tấn công quân sự.

Lần này, thông điệp của Tổng thống rất rõ ràng: Mỹ cam kết với các đồng minh vùng Vịnh trong dài hạn. Nhưng trong mắt nhiều người, ông vẫn là người khó đoán.

Quỳnh Trâm