Cảnh báo đỏ và hành trình giữ lấy màu xanh
Mùa hè oi bức kéo dài, Hà Tĩnh đang phải đối mặt với nắng nóng gay gắt và nguy cơ cháy rừng ở mức cực kỳ nghiêm trọng. Giữa thử thách khắc nghiệt ấy, chính quyền cùng người dân đã sát cánh, khẩn trương triển khai những giải pháp quyết liệt, nhằm giữ vững màu xanh của rừng – lá phổi xanh quý giá của vùng đất này trước sự tấn công của “giặc lửa”.
Cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở cấp độ nguy hiểm
Hà Tĩnh được xem như là lá phổi xanh của vùng Bắc Trung Bộ, những năm gần đây liên tục phải đối mặt với hiểm họa cháy rừng, đặc biệt trong mùa nắng nóng.
Hàng trăm ha rừng bị thiêu rụi, đe dọa đến đa dạng sinh học, sinh kế của người dân và làm gia tăng nguy cơ thiên tai. Công tác phòng chống cháy rừng đã và đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thống kê từ Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho thấy, từ năm 2020 đến nay Hà Tĩnh xảy ra hơn 100 vụ cháy rừng, diện tích rừng thiệt hại tới hơn 495 ha. Chỉ riêng trong mùa khô 20, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 30 vụ, thiêu rụi khoảng 160ha rừng, chủ yếu là rừng thông, rừng keo tại các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Cẩm Xuyên. Đặc biệt, vụ cháy rừng tại xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) năm 2019, “giặc lửa” hoành hành gần 2 ngày mới được khống chế hoàn toàn.
Nguyên nhân các vụ cháy rừng chủ yếu được xác định là do thời tiết cực đoan: nắng nóng kéo dài, gió lào mạnh, bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn thiếu ý thức trong việc xử lý thực bì, đốt rác, đốt ong, thậm chí có người còn thắp hương tại rừng vào các dịp lễ.
Ngày 07/5, đồng chí Võ Trọng Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Qua kết quả kiểm tra hiện trường rừng trọng điểm dễ cháy trên địa bàn huyện Hương Sơn và thị xã Hồng Lĩnh cho thấy, diện tích rừng tập trung dễ cháy còn lớn, thực bì rừng rất tốt và dày; các công trình phòng chống cháy rừng mặc dù đã được đầu tư xây dựng qua các năm nhưng chưa đáp ứng toàn diện yêu cầu, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, một số khu vực rừng có rất nhiều đền, chùa, miếu mạo, nghĩa trang và các ngôi mộ đơn lẻ nên việc kiểm soát người ra, vào rừng hàng ngày gặp nhiều khó khăn, nhất là thời gian cao điểm nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng là rất cao.
Chủ động phòng chống cháy rừng từ cơ sở
Để chủ động trong công tác bảo vệ rừng – phòng chống cháy rừng năm 2025, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, chủ rừng, đơn vị liên quan kịp thời triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 22/3/2025 và số 36/CĐ-TTg ngày 13/4/2025.
Tiến hành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng, nhất là đối với người dân khu vực giáp ranh giữa rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Các hộ dân được tuyên truyền, vận động ký cam kết không đốt rác, đốt ong hay nấu nướng gần rừng.
Ngay từ đầu mùa khô, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng phương án phòng chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vận chuyển tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Lực lượng chức năng phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức các buổi huấn luyện, diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng; đồng thời ứng dụng công nghệ cao như sử dụng ảnh vệ tinh, flycam giám sát rừng từ xa. Các biển cảnh báo cháy rừng được dựng tại nhiều điểm nóng.
Nhiều xã tại các huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quang đã thành lập tổ tự quản bảo vệ rừng. Các tổ này được trang bị kiến thức cơ bản về nhận diện nguy cơ cháy, kỹ năng sơ cứu và phối hợp báo cháy nhanh qua các kênh thông tin nội bộ.
Ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết: “Vườn Quốc gia Vũ Quang được giao quản lý trên 57.000 ha rừng, nằm trên địa phận hành chính 3 huyện: Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn.
Trong đó, rừng đặc dụng chiếm 52.000 ha, diện tích còn lại là rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Để làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, vừa qua Vườn Quốc gia Vũ Quang đã phối hợp cùng với các lực lượng chức năng địa phương tổ chức lễ phát động và ra quân phát dọn đường băng cản lửa phòng chống cháy rừng tại Núi Động Voi, khu vực tiểu khu 146A thuộc thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang – Hà Tĩnh.
Với tinh thần xung kích, tình nguyện, cán bộ chiến sỹ, đoàn viên thanh niên đã phát quang, làm mới được gần 4 km đường băng cản lửa với chiều rộng từ 8 đến 10m và tiến hành thu gom, xử lý nhiều thực bì tại các vùng có khả năng gây cháy cao”.
Giữ rừng, giữ tương lai
Không chỉ riêng lực lượng kiểm lâm, trong những trận cháy rừng lớn, cả hệ thống chính trị của địa phương đã vào cuộc. Từ bộ đội, công an, dân quân tự vệ đến người dân, tất cả cùng xông pha giữa rừng lửa để giữ rừng.
Tuy nhiên, công tác chữa cháy còn gặp nhiều trở ngại, công tác phòng chống cháy rừng hiện nay chủ yếu dựa vào các biện pháp như: tạo đường băng cản lửa, cử lực lượng trực gác tại các điểm nóng, lắp đặt bảng cảnh báo nguy cơ cháy… theo đánh giá của nhiều cán bộ kiểm lâm, những biện pháp này chưa đủ để ứng phó với những vụ cháy lớn trong thời tiết cực đoan như hiện nay.
Khi xảy ra cháy, địa hình “tác chiến” thường nằm ở khu rừng có địa hình dốc, xa khu dân cư hoặc khu vực đồi núi hiểm trở, rất khó tiếp cận. Ngoài nhân lực mỏng, phương tiện chữa cháy chủ yếu hiện nay là dao phát, bình xịt cầm tay… chưa đáp ứng hiệu quả khi cháy lan trên diện rộng.
Ông Nguyễn Hải Vân - Phó Trưởng BQL Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết: “Hà Tĩnh đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng 2025. Nguy cơ cháy rừng luôn rình rập.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc giữ rừng - giữ nước - giữ sự sống cần sự vào cuộc mạnh mẽ và bền bỉ từ cả hệ thống chính quyền lẫn mỗi người dân.
Địa phương đang phối hợp với các đơn vị để áp dụng hệ thống giám sát cháy rừng bằng vệ tinh và máy bay không người lái (drone). Ngoài ra, ứng dụng cảnh báo cháy rừng qua điện thoại đang được thử nghiệm tại một số xã trọng điểm”.
Cháy rừng không chỉ là mất rừng, mà còn kéo theo mất sinh kế, mất đất, ảnh hưởng môi trường và sức khoẻ lâu dài. Khi mỗi người dân hiểu rằng việc giữ rừng là bảo vệ cuộc sống của chính mình, thì công tác phòng cháy mới thực sự bền vững và hiệu quả.