Chính trị

Sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trực thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam là tất yếu khách quan, phù hợp với thực tiễn

Lê Ái - Trung Quân - Tuệ Phương 19/05/2025 - 10:56

Sắp xếp, hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam là một bước tiến quan trọng của lịch sử trong công tác tổ chức bộ máy và hoạt động của MTTQ Việt Nam. Đây không chỉ là chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng mà còn là một bước chuyển mình của tất yếu khách quan và phù hợp với thực tiễn cách mạng hiện nay, qua đó góp phần củng cố hơn nữa vị thế của MTTQ Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

anh bai chinh
Ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trao quyết định cho các đồng chí thuộc 22 tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, ngày 11/2/2025. Ảnh: Quang Vinh.

Đảm bảo hoạt động của MTTQ Việt Nam mang tính toàn dân, toàn diện, toàn quốc

Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đã được đề cập trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội của Đảng. Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, nhất là từ tháng 10/20 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành đã thống nhất rất cao về chủ trương sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Qua đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 đã đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức còn trùng lặp, chồng chéo... rất cần sắp xếp lại, tinh gọn lại, hướng đến hoạt động hiệu quả hơn.

Hiện nay, ở Trung ương, 5 tổ chức chính trị - xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam) và 30 tổ chức hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được bố trí biên chế, kinh phí hoạt động đều là thành viên trực tiếp hoặc gián tiếp là thành viên của MTTQ Việt Nam.

Người đứng đầu của các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cơ bản đều là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam. Người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp tỉnh cũng được cơ cấu tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam ở cấp tỉnh như cấp Trung ương. Ở cấp huyện và cấp xã cũng có cơ cấu tương tự như cấp tỉnh.

Như vậy, thực chất Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp nào được cơ cấu bởi người đứng đầu của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng cấp đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp dưới trực tiếp và cá nhân tiêu biểu thuộc mọi giai cấp, tầng lớp xã hội. Do vậy, để đảm bảo hoạt động của MTTQ Việt Nam mang tính toàn dân, toàn diện, toàn quốc thì sắp xếp các tổ chức hội về trực thuộc UBTƯ MTTQ Việt Nam không chỉ là chủ trương đúng đắn của Đảng ta mà còn là tất yếu khách quan và phù hợp với thực tiễn cách mạng hiện nay.

Tại Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Chủ trương này không chỉ là sự đổi mới căn bản tổ chức bộ máy mà còn là cơ hội để Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn mới. Theo đó, 5 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cùng 30 hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ sẽ trở thành đơn vị trực thuộc MTTQ Việt Nam. Cùng với đó là tổ chức bộ máy sẽ có sự thay đổi đáng kể. Hầu hết các tổ chức chính trị - xã hội từ chỗ có từ 10 - 20 đơn vị đầu mối, sau sắp xếp sẽ chỉ còn một nửa cơ quan đầu mối, có tổ chức chỉ còn 1/3.

Theo Đề án đã được xây dựng thì các tổ chức chính trị - xã hội sẽ chỉ còn các ban chuyên môn phục vụ chính nhiệm vụ chuyên môn của tổ chức chính trị - xã hội đó. Những nhiệm vụ mà các ban, đơn vị của MTTQ Việt Nam dùng chung được như tổ chức, tuyên giáo, văn phòng, giám sát, phản biện xã hội sẽ được đưa về một đầu mối để tránh chồng chéo, dàn trải, thực hiện đúng phương châm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Không quy định cụm từ “trực thuộc” sẽ không diễn đạt được nội dung của việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy

Để thực hiện chủ trương của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (dự thảo Nghị quyết) đã được Quốc hội thông qua và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 gồm có 2 điều; Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Báo Đại Đoàn Kết đã ghi nhận ý kiến của nhiều đại biểu đến từ cơ sở cho đến các đại biểu thảo luận tại nhiều cuộc họp - từ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đến Hội thảo Những vấn đề về lý luận, pháp lý và bảo đảm điều kiện hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới - đa số các đại biểu tán thành cao với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại 3 điều của Hiến pháp liên quan trực tiếp tới MTTQ Việt Nam.

Gắn bó nhiều năm trên cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thường Tín (TP Hà Nội) ông Lê Tuấn Dũng chia sẻ về sự quan tâm đặc biệt đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, thu gọn MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về một mối nhằm hướng tới một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình đất nước hiện nay. Ông Dũng cho rằng, khi các cơ quan, đơn vị, tổ chức về trực thuộc dưới “mái nhà chung” Mặt trận sẽ làm tăng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Bày tỏ sự đồng tình với nội dung sửa đổi tại Dự án Luật MTTQ Việt Nam, bà Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho rằng, nội dung sửa đổi tại khoản 2 Điều 5 Luật MTTQ Việt Nam “Các tổ chức chính trị - xã hội (gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam” khá tương đồng với nội dung sửa đổi tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nếu Hiến pháp được sửa đổi thì nội dung này phải thống nhất hoàn toàn về nội dung, cách viết để tránh nhầm lẫn.

Theo bà Võ Thị Minh Sinh, cụm từ “trực thuộc” là nội dung quan trọng, thể hiện rõ quan điểm từ các văn bản, chủ trương của Đảng, đảm bảo được sự rõ ràng về mối quan hệ quản lý, trách nhiệm pháp lý cũng như trách nhiệm chính trị của các tổ chức. Nếu không quy định cụm từ “trực thuộc” sẽ không diễn đạt được nội dung của việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Mặt khác, cách quy định “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam” rất đúng với tình hình hiện nay, đồng thời thể hiện được tính năng động, linh hoạt và chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng quan điểm với việc đưa cụm từ “trực thuộc” vào nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013, ông Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, khi sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, việc đưa cụm từ “trực thuộc” là phù hợp nhằm đảm bảo sự thống nhất đối với nội dung đề cập tại Điều lệ MTTQ Việt Nam đã ban hành, trong đó đề cập đến nội dung: “MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

anh bai tr7 bai chinh
Các đại biểu tham dự Hội thảo Những vấn đề về lý luận, pháp lý và bảo đảm điều kiện hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới. Ảnh: Tiến Đạt.

“Trực thuộc” đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức

Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến còn băn khoăn quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam tại khoản 2 Điều 9 Hiến pháp năm 2013 trong điều kiện MTTQ Việt Nam là liên hiệp tự nguyện và hoạt động theo nguyên tắc “hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động”.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy, “về nội dung này, từ giai đoạn xây dựng Đề án quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được Ban Thường vụ Đảng ủy MTTQ Việt Nam, các đoàn thể Trung ương nghiên cứu kỹ, thảo luận, thống nhất cao và khi đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, Đảng ủy đã căn cứ vào các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng” - Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy thông tin.

Theo Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy, việc sửa đổi căn cứ vào 5 nội dung: Thứ nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 5-QĐ/TW ngày /1/2025, thành lập Đảng bộ MTTQ, các đoàn thể Trung ương; Quyết định số 251-QĐ/TW ngày /1/2025 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Đảng ủy MTTQ, các Đoàn thể Trung ương, trong đó quy định rõ: Có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, các tổ chức đảng trực thuộc theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương; lãnh đạo Đảng bộ thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ.”

Thứ hai, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 “Nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng hiện nay) và đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan; Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025: “Xây dựng Đề án sắp xếp, tinh gọn các cơ quan MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng ở Trung ương do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ (cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã) sau khi sáp nhập, hợp nhất”.

Thứ ba, tại Đề án sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ (đối với cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã) đã được Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua tại Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025. Theo đó các cơ quan tham mưu, giúp việc ở Trung ương theo các quyết định của Bộ Chính trị số 211-QĐ/TW; Quyết định số 212-QĐ/TW; Quyết định số 217-QĐ/TW; Quyết định số 220-QĐ/TW; Quyết định số 221-QĐ/TƯ và Quyết định số 222-QQĐ/TW ngày 28/12/20 được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam; do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam chủ trì hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động và giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về định hướng hoạt động, quản lý bộ máy giúp việc, biên chế, công tác cán bộ, quản lý tài sản, tài chính và chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về toàn bộ hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Thứ tư, để phát huy tính chủ động, sáng tạo (tính độc lập tương đối) của các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến Binh) hoạt động theo Điều lệ của mỗi tổ chức; có cơ quan lãnh đạo (Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường vụ, Ban Bí thư), các chức danh lãnh đạo (Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc Bí Thư thứ nhất, Bí thư); có con dấu, tài khoản riêng, đảm bảo nguyên tắc các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trực thuộc MTTQ Việt Nam đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức (mang tính độc lập tương đối). Các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, nghiệp vụ công tác đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.

Thứ năm, việc giải quyết mối quan hệ “trực thuộc” và phát huy tính “chủ động, sáng tạo” của mỗi thành viên sẽ được điều chỉnh cụ thể trong các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam; về cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã (thay thế Quy định số 212-QĐ/TW của Ban Bí thư); về quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương (thay thế Quyết định số 118-QĐ/TW của Ban Bí thư). Cùng với đó, Điều lệ MTTQ Việt Nam và điều lệ của các tổ chức cũng sẽ được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ sau sắp xếp.

“Căn cứ các cơ sở chính trị nêu trên, việc bổ sung quy định tại khoản 2, Điều 9 Hiến pháp năm 2013 và tại khoản 2, Điều 5 Luật MTTQ Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, về tổ chức bộ máy và hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ sau sắp xếp, tinh gọn trong thời gian tới”- Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nhấn mạnh.

MTTQ Việt Nam có vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết các tổ chức thành viên

Nguyen Quang Huan box
Ông Nguyễn Quang Huân.

Ông Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nhất trí với nội dung sửa đổi tại Điều 9, Điều 10 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo ông Huân, Đảng chỉ đạo thống nhất, toàn diện, MTTQ Việt Nam là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết các tổ chức thành viên của mình. Do đó, việc quy định “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” tại khoản 2, Điều 9 là rất hợp lý. Đối với những băn khoăn về quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam tại khoản 2 Điều 9 của dự thảo Nghị quyết trong Hiến pháp và kể cả trong Luật MTTQ Việt Nam đều quy định mang tính chất khái quát cho đúng tầm, còn để giải quyết cụ thể và để không “hành chính hoá” thì cần điều chỉnh Điều lệ, Quy chế hoạt động khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Thu về một mối, sức mạnh nhân lên

Bui Thi An box
PGS.TS Bùi Thị An.

PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng, trong Hiến pháp năm 2013, Điều 9 đã quy định rất rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Mặt trận đại diện cho tiếng nói của nhân dân, là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Do đó, việc sửa đổi Hiến pháp lần này càng khẳng định vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam. Mặt trận vẫn là “liên minh chính trị”, “liên hiệp tự nguyện” nhưng sẽ được giữ vai trò chủ động hơn trong xây dựng chính sách, trong giám sát phản biện và thậm chí chủ động hơn cả trong kiến nghị lập pháp. Các quy định này sẽ góp phần thay đổi rõ ràng vị trí của Mặt trận, với vai trò được nâng lên rất cao. Việc sửa đổi Điều 9, về mặt tổ chức của Mặt trận sẽ vững mạnh hơn. Trước đây các tổ chức chính trị - xã hội tuy vẫn nằm trong liên minh nhưng hoạt động khá độc lập, nay sẽ được thu về một mối, nên sức mạnh sẽ được nâng lên, thể hiện vai trò vị trí thay đổi mang tính chất định lượng. Từ đó, Mặt trận trở thành kênh chính trị pháp lý để nhân dân có thể tham gia quản lý nhà nước, với vị trí được nâng lên, chủ động hơn.

Lê Ái - Trung Quân - Tuệ Phương