Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nghị quyết 68-NQ/TW: Giải phóng nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân

Nguyễn Cúc 19/05/2025 - 16:05

Chia sẻ với Báo Công lý, CEO Công ty Cổ phần Đào tạo, Thương mại và Dịch vụ MDJ cho rằng, Nghị quyết 68 là thời cơ để khu vực kinh tế tư nhân từng bước khẳng định vị thế trong nền kinh tế quốc dân.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào bước chuyển mình

Ngày 18/5 vừa qua, tại Hội trường Diên Hồng – Nhà Quốc hội, Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đã chính thức diễn ra. Đây là sự kiện chính trị - kinh tế quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc khẳng định vai trò then chốt của khu vực kinh tế tư nhân và từng bước tháo gỡ rào cản, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.

Dù không nằm trong chương trình chính thức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp đối thoại, lắng nghe và giải đáp kiến nghị từ một số cộng đồng doanh nghiệp ngay tại hội nghị – một hành động thể hiện sự cầu thị, gần gũi và tinh thần đồng hành rõ rệt của Chính phủ với khu vực kinh tế tư nhân, đúng như tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 68.

tioeenf.jpg
Ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco chia sẻ tại hội nghị

Là người đầu tiên được Thủ tướng mời phát biểu, ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco đã có những chia sẻ thẳng thắn về những bất cập lâu nay mà khu vực kinh tế tư nhân phải đối mặt. Theo ông, Nghị quyết 68 đã phản ánh đúng bản chất và đầy đủ những khó khăn, rào cản về cơ chế, chính sách mà doanh nghiệp tư nhân từng nhiều lần "bó tay, bó chân".

“Việc ban hành Nghị quyết này giống như "nắng hạn gặp mưa rào". Chúng tôi – những người làm doanh nghiệp – luôn mong muốn được đầu tư, được cống hiến, nhưng nhiều lúc thực sự bất lực trước các vướng mắc về thể chế, chính sách. Nghị quyết 68 chính là bước đột phá cần thiết để giải phóng tinh thần và nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân,” ông Tiền khẳng định.

Theo ông Tiền, điều quan trọng nhất hiện nay không chỉ nằm ở việc ban hành nghị quyết, mà là ở cách thức thực thi trong thực tiễn. Chỉ khi những nội dung trong nghị quyết được cụ thể hóa thành hành động, thành các cơ chế vận hành hiệu quả, thì mới thực sự tạo ra chuyển biến thực chất.

Khơi dậy tinh thần dân tộc, thúc đẩy thế hệ doanh nhân mới

Từ góc độ của thế hệ doanh nhân đổi mới sáng tạo, bà Ngô Hương Giang HĐQT/CEO founder Công ty Cổ phần Đào tạo, Thương mại và Dịch vụ MDJ chia sẻ với Báo Công lý: Nghị quyết 68 mang lại nhiều điểm đột phá đáng ghi nhận. “Nghị quyết này không chỉ khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi cá nhân mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân,” bà Giang nhận định.

Theo bà, một trong những điểm nổi bật là chương trình đào tạo 10.000 giám đốc điều hành có đạo đức – một bước đi chiến lược trong việc hình thành thế hệ doanh nhân có tư duy làm giàu chính đáng, có trách nhiệm xã hội và gắn bó với lợi ích quốc gia.

nq68.jpg
Bà Ngô Hương Giang HĐQT/CEO founder Công ty Cổ phần Đào tạo, Thương mại và Dịch vụ MDJ

Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực edtech và giáo dục khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, bà Giang đặc biệt đánh giá cao các chính sách phát triển nguồn nhân lực như khuyến khích giáo dục STEM, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng số và ngoại ngữ ở mọi cấp học. “Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam hình thành lực lượng lao động chất lượng cao, thích nghi tốt với nền kinh tế số và toàn cầu hóa.”, bà Giang nói.

Một nội dung được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là các chính sách hỗ trợ thực tế đi kèm Nghị quyết 68. Theo bà Ngô Hương Giang, việc cải cách thủ tục hành chính, mở rộng tiếp cận tín dụng, miễn – giảm thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp và tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo sẽ giúp giảm đáng kể áp lực vận hành và tiếp thêm niềm tin cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đây là thời cơ để họ từng bước khẳng định vị thế trong nền kinh tế quốc dân.

“Chúng tôi rất hoan nghênh sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành trong việc ban hành các thông tư, nghị định kịp thời, sát thực tế. Điều này thể hiện rõ cam kết của Đảng, Nhà nước trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch,” bà Giang chia sẻ.

Với tinh thần “doanh nghiệp là trung tâm của phát triển”, Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ, đưa khu vực kinh tế tư nhân phát triển lên tầm cao mới – không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là lực lượng then chốt thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hội nhập.

Tuy nhiên, như nhiều doanh nhân đã nhấn mạnh, yếu tố quyết định chính là khâu thực thi. Việc bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo, minh bạch trong chính sách và trách nhiệm của các cấp chính quyền sẽ là chìa khóa hiện thực hóa tinh thần nghị quyết.

Nghị quyết 68 không chỉ là một định hướng chiến lược, mà còn là một lời hiệu triệu khơi dậy tinh thần dân tộc, trách nhiệm công dân và khát vọng vươn lên của hàng triệu doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập mới.

Nguyễn Cúc