Niềm tin Công lý số 27: Trừng trị tội phạm giả danh công an để lừa đảo
Trong kỷ nguyên số, tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi. Như một lời cảnh báo tới người dân về an toàn trong không gian số, sự tỉnh táo giữa những cạm bẫy vô hình, chương trình "Niềm tin Công lý" số 27 đã dựng lại vụ việc giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát để chiếm đoạt tổng tài sản hơn 700 triệu đồng ngay tại Hà Nội.
Không còn là lời cảnh báo mang tính phòng ngừa, những vụ lừa đảo qua mạng, giả danh công an giờ đã hiện diện rõ ràng trong đời sống xã hội. Chỉ có điều, thủ đoạn phạm tội thì ngày càng tinh vi, nạn nhân ngày càng đa dạng, thiệt hại ngày càng lớn.

Vụ án xảy ra vào cuối năm 2020 tại Hà Nội, khi ba cụ bà cao tuổi trở thành nạn nhân của nhóm đối tượng mạo danh công an để lừa đảo là một minh chứng điển hình cho thực trạng này.
Nhóm đối tượng lừa đảo thông báo tài khoản của người dân liên quan đến tổ chức phạm tội. Chúng yêu cầu người này chứng minh việc không liên quan đến tội phạm bằng việc chuyển tiền có trong tài khoản đến tài khoản được chỉ định. Do nhẹ dạ, 3 cụ bà hơn 80 tuổi đã chuyển tổng số tiền hơn 700 triệu đồng.
Ba đối tượng phạm tội đã bị Hội đồng xét xử tuyên phạt lần lượt 16 năm tù, 14 năm 6 tháng tù và 2 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Sửa chữa, và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Từ tình huống được phục dựng trong chương trình “Niềm tin Công lý”, các chuyên gia đã phân tích vụ việc để thấy rõ thủ đoạn phạm tội có tổ chức và rất tinh vi của nhóm đối tượng. Bên cạnh đó cũng giúp khán giả nhìn nhận ra những lỗ hổng trong nhận thức xã hội, trong ứng xử với công nghệ. Đặc biệt là vấn đề cần lưu ý trong công tác quản lý, phòng ngừa tội phạm thời đại số.
Các đối tượng đã lợi dụng lòng tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng lo ngại hơn, khi lực lượng công an, kiểm sát bị mạo danh một cách dễ dàng. Khi đó, người dân không chỉ bị tổn thương về niềm tin, mà chính uy tín của cơ quan tố tụng cũng bị đe dọa.
Tình trạng giả danh công an, cán bộ tòa án, công ty viễn thông để lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội không còn là hiện tượng cá biệt. Bằng những thủ đoạn tinh vi các nhóm tội phạm đang ngày có tổ chức, quy mô lớn, xuyên biên giới và có tốc độ thích nghi với công nghệ rất cao. Trong khi đó, người dân – đặc biệt là nhóm yếu thế như người già lại thiếu kỹ năng nhận diện thông tin giả, thiếu kiến thức pháp luật cơ bản và dễ bị thao túng bởi tâm lý lo sợ.

Các chuyên gia trong chương trình nhận định: Để đối phó với tội phạm công nghệ cao chỉ dựa vào sự vào cuộc của cơ quan chức năng thôi chưa đủ. Mà phải là một chiến lược tổng thể, từ nhận thức đến hành động, từ pháp lý đến truyền thông, từ giáo dục đến công nghệ.
Trước tiên, phải nâng cao kỹ năng “miễn dịch”, kỹ năng “đặt dấu hỏi” cho người dân – tức là khả năng nhận diện thông tin giả, xử lý các tình huống bất thường và không hành động vội vàng khi bị dọa nạt, dụ dỗ. Các chương trình phổ biến pháp luật, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo cần được xây dựng theo hướng dễ tiếp cận, sát với thực tế, đặc biệt hướng đến các đối tượng dễ bị lợi dụng.

Tiếp theo, các tổ chức truyền thông, báo chí cần làm tốt hơn vai trò của mình trong việc điểm mặt, chỉ tên những thủ đoạn mới, vụ việc thật, giúp công chúng được “diễn tập tâm lý” qua các tình huống thực tế.
Chương trình “Niềm tin Công lý” là một mô hình hiệu quả trong truyền thông phòng chống tội phạm hiện đại – nơi công lý không chỉ được nhận diện trong phòng xử án, mà còn được lan tỏa tới cộng đồng.
Về mặt thể chế, cần có hành lang pháp lý rõ ràng và mạnh tay hơn nữa với tội phạm sử dụng công nghệ. Cần số hóa hệ thống cảnh báo quốc gia, xây dựng cơ chế phản ứng nhanh giữa ngân hàng, công an và người dân khi xảy ra giao dịch bất thường.

Bởi thực tế đã cho thấy không có tội phạm công nghệ nào nguy hiểm hơn một xã hội mất tỉnh táo trước thông tin. Càng hiện đại, xã hội càng dễ tổn thương. Và chỉ có một “hệ miễn dịch xã hội” vững chắc – được xây dựng từ pháp luật, giáo dục và truyền thông – mới có thể giúp con người bảo vệ được tài sản, danh dự và quan trọng nhất: Niềm tin vào công lý.
Chương trình Niềm tin Công lý số 27 được phát sóng trên kênh VTV1 vào lúc 22h30 tối thứ Ba ngày 20/5.