Việt Nam công bố ngày tổ chức Lễ mở ký Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm mạng
Lễ mở ký Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng không chỉ là một sự kiện ký kết đơn thuần mà còn truyền đi thông điệp về hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm mạng.

Ngày 19/5, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng dẫn đầu, cùng đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Đại sứ quán Việt Nam tại Áo đã tham dự kỳ họp thứ 34 Ủy ban Ngăn ngừa tội phạm và tư pháp hình sự (CCPCJ34) tại Vienna, Áo.
Với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ), CCPCJ34 là kỳ họp cuối cùng trước thềm Hội nghị cấp cao của LHQ lần thứ về phòng chống tội phạm (Crime Congress), tổ chức tại UAE vào năm 2026. Kỳ họp tập trung thảo luận báo cáo kết quả các hội nghị trù bị khu vực đã diễn ra trong năm 2025, hoàn tất và thông qua các tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao , sẵn sàng bước vào đàm phán dự thảo Tuyên bố Abu Dhabi.
Điểm nhấn tại kỳ họp năm nay là sự quan tâm của bạn bè quốc tế đến sự kiện LHQ đồng thuận thông qua Công ước về chống tội phạm mạng (Công ước Hà Nội), văn kiện đầu tiên của LHQ về phòng chống tội phạm sau hơn 20 năm, thiết lập một khuôn khổ pháp lý quốc tế mới với các công cụ thúc đẩy hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm mạng.
Trong phát biểu khai mạc kỳ họp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã thông tin tới các đại biểu về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tư pháp hình sự, tăng cường hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm, trong đó có sáng kiến Việt Nam đăng cai Lễ mở ký Công ước Hà Nội - minh chứng cho cam kết của Việt Nam là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.
Thứ trưởng đồng thời công bố chính thức ngày tổ chức Lễ mở ký Công ước tại Hà Nội vào ngày 25-26/10/2025. Dự kiến Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ đồng chủ trì sự kiện này.
Trước đó, phát biểu tại tọa đàm “Đường tới Hà Nội: Lễ mở ký Công ước của LHQ về chống tội phạm mạng” diễn ra vào h00 ngày 19/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Công ước về chống tội phạm mạng (Công ước Hà Nội) thể hiện cam kết của cộng đồng quốc tế đối với chủ nghĩa đa phương, tạo ra khuôn khổ pháp lý cho hợp tác quốc tế để giải quyết hiệu quả vấn đề tội phạm mạng - mối đe dọa đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng khẳng định Lễ mở ký Công ước này không chỉ là một sự kiện ký kết đơn thuần mà còn truyền đi thông điệp về hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm mạng, kêu gọi các nước tham dự Hội nghị, ký kết và sớm phê chuẩn để Công ước có hiệu lực, thúc đẩy hợp tác quốc tế hiệu quả trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm mạng.
Tổng Giám đốc Cơ quan của LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC), bà Ghada Fathi Waly, trong phát biểu khai mạc tọa đàm đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong công tác tổ chức Lễ mở ký. Bà Waly bày tỏ tin tưởng đây sẽ là sự kiện thành công, ghi dấu ấn cho lễ kỷ niệm 80 thành lập LHQ vào ngày /10.
Trong khi đó, các đại diện cho khu vực châu Phi (Algeria), châu Á (Nhật Bản) cũng nêu vai trò của Công ước đối với khu vực và nhấn mạnh ủng hộ Việt Nam trong vai trò nước chủ nhà Lễ mở ký.
Ủy ban ngăn ngừa tội phạm và tư pháp hình sự (CCPCJ) là một trong những hội nghị định kỳ then chốt của LHQ, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các quy tắc, chuẩn mực quốc tế, chính sách và khung hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm và tư pháp hình sự. CCPCJ đồng thời là cơ quan điều hành của Văn phòng của LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) và cơ quan trù bị cho Hội nghị Cấp cao của LHQ về phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự (Cấp cao về tội phạm).
Trước đó, Việt Nam đã phối hợp với UNODC tổ chức một loạt sự kiện giới thiệu, quảng bá Công ước Hà Nội và Lễ mở ký Công ước Hà Nội tại tất cả các châu lục trên thế giới, bên thềm các Hội nghị trù bị khu vực cho Cấp cao về tội phạm tại Bangkok (Thái Lan), San Jose (Costa Rica), Vienna (Áo), Addis Ababa (Ethiopia), Marakesh (Ma-rốc)…