Quảng Ninh quyết liệt chống buôn lậu, hàng giả: Hướng tới mô hình điểm toàn quốc
Ngày 23/5, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh nhằm đẩy mạnh thực hiện tháng cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tại đây, nhiều giải pháp được đề xuất để xây dựng Quảng Ninh thành hình mẫu toàn quốc trong cuộc chiến với vấn nạn này.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng khẳng định: Quảng Ninh là địa bàn đặc thù, có biên giới đất liền, đường biển dài, giao thông đa dạng và là trung tâm phát triển năng động. Do đó, nguy cơ buôn lậu, thẩm lậu hàng hóa, hàng giả luôn hiện hữu.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cùng các sở, ngành đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, duy trì hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu thời gian qua.
“Cần xem đây là nhiệm vụ xuyên suốt, không chỉ trong tháng cao điểm mà phải duy trì thường xuyên. Xử lý nghiêm minh để thay đổi nhận thức, hành vi, tạo hiệu ứng răn đe thực chất,” Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ kỳ vọng Quảng Ninh sẽ trở thành địa phương kiểu mẫu trong cả nước về phòng chống buôn lậu, hàng giả.

Thông tin tại buổi làm việc, ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực VIII cho biết: 5 tháng đầu năm 2025, các lực lượng tại tỉnh đã phát hiện gần 1.100 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa 12 tỷ đồng, xử lý hành chính hơn 1.000 vụ với số tiền thu phạt, truy thu thuế lên tới 66,1 tỷ đồng.
Thượng tá Bùi Duy Hưng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Quảng Ninh) thông tin: lực lượng công an đã triệt phá 210 vụ việc, khởi tố 21 vụ với 48 bị can, phần lớn liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả như thuốc bảo vệ thực vật.
Một thủ đoạn mới đang nổi lên là việc lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng lậu, hàng giả qua đường bộ, bưu điện, gây khó khăn cho kiểm soát. Ngoài ra, một số mặt hàng như shisha, khí cười, bóng cười chưa có quy định pháp lý rõ ràng nên việc xử lý còn lúng túng.
Tại buổi làm việc, đại diện các lực lượng chức năng chỉ ra nhiều khó khăn như: địa hình biên giới hiểm trở, thiếu nhân lực, phương tiện, thiếu kho bãi bảo quản tang vật vi phạm, quy trình giám định còn bất cập về thời gian, chi phí và thẩm quyền.
Trước những thách thức trên, các thành viên trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Tổ công tác đã trao đổi thẳng thắn, đề xuất các kiến nghị cụ thể để tháo gỡ khó khăn, thống nhất phương hướng hành động, đảm bảo hiệu quả cao trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời gian tới.