Giao thông

Phơi nông sản trên đường gây tai nạn bị xử lý thế nào?

Thanh Phương /05/2025 - 09:37

Cứ vào mội đợt thu hoạch nông sản, nhất là lúa, người dân lại chiếm dụng lòng, lề đường để thu gom, sản xuất, phơi… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo ghi nhận của PV, trên các tuyến đường liên thôn, liên xã tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân phơi rơm rạ, nông sản tràn lan trên mặt đường nhựa. Từ xe đạp, xe máy cho đến ô tô đều phải len lỏi, né tránh từng đoạn đường bị “chiếm dụng” như những sân phơi tự phát.

longduong.jpg
Người dân chiếm dụng lòng đường để phơi nông sản

Thực tế cho thấy, hằng năm vào mùa gặt tình trạng phơi lúa, rơm rạ, đặt máy tuốt lúa, nông cụ trên đường diễn ra khá phổ biến. Thậm chí người dân còn dùng gạch đá, vật cứng để chặn bạt phơi, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Việc phơi rơm rạ và nông sản trên đường đã vô tình tạo nên những cái bẫy nguy hiểm đối với người tham gia giao thông. Đặc biệt, khi rơm rạ bị gió thổi tung, lấn ra giữa đường, xe máy đi qua dễ bị trượt ngã, đã có không ít vụ tai nạn xảy ra chỉ vì bánh xe vấp phải rơm khô hoặc người lái không kịp xử lý tình huống bất ngờ.

nongsan.jpg
Nguy cơ tai nạn giao thông do trơn, trượt, tránh khu vực phơi nống sản

Rơm rạ có thể gây trượt ngã cho xe máy, cuốn vào gầm xe ô tô gây chập cháy. Khói đốt rơm rạ cũng ảnh hưởng đến tầm nhìn và sức khỏe của người tham gia giao thông. Đã có không ít các vụ tai nạn giao thông và cháy xe xảy ra mà nguyên nhân đáng tiếc lại do tác hại của việc phơi, đốt rơm rạ, thóc lúa, nông sản trên đường giao thông của người dân.

Thời gian qua, lực lượng Công an đã tăng cường giám sát, kiểm tra, nhắc nhở bà con nhân dân, mặt khác xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm để giáo dục, răn đe.

mangda.jpg
Những cục đá to được đưa ra giữa đường để đậy bạt rất nguy hiểm nếu không quan sát

Đồng thời, chú trọng hàng đầu là công tác tuyên truyền về những tác hại của việc phơi, đốt rơm rạ đối với môi trường, sức khỏe, tính mạng và tài sản của con người để nâng cao ý thức trách nhiệm, tự nhận thức, góp phần giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường giao thông trong mỗi mùa thu hoạch hàng năm.

Tình trạng phơi rơm rạ trên đường cần được xử lý nghiêm minh và dứt điểm. Để đảm bảo an toàn giao thông, cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức của chính mình, thay đổi thói quen thu hoạch để ngày mùa vừa là ngày vui của những người nông dân đồng thời cũng đảm bảo an toàn hành lang giao thông cho chính mình và cộng đồng.

nhacnho.jpg
Lực lượng chức năng nhắc nhở người dân không chiếm dụng lòng đường

Cùng với việc phơi nông sản, người dân còn dùng gạch, đá và các loại vật dụng khác ngăn đường không cho bánh xe đi vào, điều này làm tăng nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông đường bộ. Ngoài ra, một số người dân còn đốt rơm, rạ trực tiếp trên đồng ruộng cạnh các trục đường lớn gây khói bụi, làm ô nhiễm không khí, hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông…

Tình trạng tuốt lúa, phơi lúa, đốt rơm rạ tái diễn vào mỗi mùa gặt không chỉ gây cản trở mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do việc phơi rơm, rạ, lúa trên đường. Đặc biệt, có trường hợp rơm, rạ quấn vào xe gây cháy nổ.

Cản trở giao thông, khuất tầm nhìn cũng là nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông, khi các phương tiện cơ giới trên đường khi gặp các vật cản bất ngờ sẽ xử lý không kịp hoặc khi lái xe đi trên bề mặt lúa cũng rất có thể xảy ra tai nạn cho mình và những người người khác do trơn trượt.

Trước tình hình trên, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến, lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu người dân không được phơi lúa, phơi rơm rạ và sử dụng gạch đá, cây cối, vật cản khác chắn ngang đường làm cản trở giao thông, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Phối hợp với chính quyền địa phương và Công an các xã, thị trấn ven các tuyến giao thông triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, thông qua việc dùng xe ô tô phát loa tuyên truyền lưu động, hệ thống loa truyền thanh địa phương và trên nền tảng mạng xã hội (Zalo, facebook…) đến từng thôn, từng khu dân cư và mỗi người dân.

Qua đó để người dân nhận thức rõ các hành vi bị cấm, như: sử dụng lòng, lề đường để tuốt lúa; phơi lúa, rơm rạ, đốt rơm rạ; để gạch đá, cây cối, vật dụng trên lòng đường… là những hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Theo điểm b Khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định: "Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ."

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, điểm a khoản 10 Điều 12 cũng quy định cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ.

Trường hợp thực hiện hành vi phơi thóc, lúa, rơm rạ trên đường bộ mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cản trở giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 261 Bộ luật Hình sự năm 20 sửa đổi bổ sung năm 2017. Khung hình phạt cao nhất cho tội danh này lên tới 10 năm tù giam.

Ngoài ra, người có hành vi chiếm dụng lòng đường phơi nông sản gây tai nạn còn có trách nhiệm bồi thường dân sự những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho nạn nhân.

Thanh Phương