Nghệ An: Dịch tả lợn châu Phi bùng phát
Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt ở khu vực miền núi. Ngành chức năng đang tập trung triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát và ngăn chặn dịch.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, từ đầu năm đến nay, đã xảy ra ít nhất 70 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 13 huyện, thành, thị.
Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy lên tới 1.700 con, với tổng trọng lượng hơn 99 tấn. Các huyện có số ổ dịch nhiều nhất gồm: Yên Thành (11 ổ), Đô Lương và Nghi Lộc (10 ổ), Quỳnh Lưu (9 ổ), Anh Sơn (7 ổ) và Thanh Chương (7 ổ).

Các địa phương có số ổ dịch nhiều, lượng lợn phải tiêu hủy lớn như: Huyện Anh Sơn, tính đến ngày 19/5, đã tiêu hủy 809 con lợn nhiễm bệnh, tổng trọng lượng hơn 46 tấn. Dịch vẫn đang hiện hữu tại 8 xã, thị trấn.
Ông Nguyễn Văn Nam, trú xã Đức Sơn, cho biết: Gia đình phát hiện lợn bị dịch từ đầu tháng 5, đến nay 3 con lợn thịt đã phải tiêu hủy. Sau khi tiêu hủy, gia đình chủ động xử lý môi trường nhưng vẫn chưa dám tái đàn.
Ông Nguyễn Trọng Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, huyện đã chỉ đạo các địa phương lập chốt, khoanh vùng ổ dịch trong diện hẹp; đồng thời sử dụng hóa chất phun khử trùng khu vực chuồng trại và sử dụng vôi bột để rắc tại đầu các trục đường ra vào khu dân cư để phòng dịch lây lan.

Tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp. Hiện, đã có 94 hộ chăn nuôi thuộc 37 thôn, xóm của 13 xã có lợn chết và tiêu hủy với số lượng 692 con lợn với tổng trọng lượng hơn 33 tấn.
Theo ông Trần Phi Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện thanh Chương, nguyên nhân sâu xa là do chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn, chưa đảm bảo an toàn sinh học. Một số xã còn chủ quan, thiếu quyết liệt trong tuyên truyền và tổ chức phòng, chống dịch.
Huyện Thanh Chương đang yêu cầu các xã giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch cũ, tăng cường tuyên truyền về tính nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Trong khi đó, tại huyện Con Cuông, từ đầu năm đến nay, địa phương này cũng bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Tính đến giữa tháng 5/2025, huyện này ghi nhận dịch bệnh tái phát tại 6 xã, tiêu hủy tổng cộng 255 con lợn với trọng lượng gần 14,5 tấn. Không chỉ riêng Con Cuông, dịch tả lợn châu Phi còn đang lan rộng tại nhiều huyện khác như Đô Lương, Yên Thành, Nghi Lộc… Với đặc thù chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình phân tán, lại thiếu hệ thống kiểm soát giết mổ, công tác phòng, chống dịch bệnh tại nhiều địa phương gặp không ít khó khăn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An thống kê, tính đến ngày /5, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 53 ổ dịch chưa qua 21 ngày, tập trung tại 11 huyện, trong đó có 2 điểm nóng là xã Đôn Phục, huyện Con Cuông và xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, nơi dịch đã kéo dài nhiều tháng. Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ bùng phát trên diện rộng, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương nâng cao cảnh giác, không lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Tăng cường giám sát tại cơ sở, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm các ổ dịch theo đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, tổ chức tiêu độc, khử trùng toàn diện và khoanh vùng dịch kịp thời để ngăn chặn lây lan.
Một trong những yêu cầu cấp thiết được lãnh đạo tỉnh Nghệ An nhấn mạnh là không để tình trạng sắp xếp tổ chức, bộ máy hành chính ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Ngoài ra, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y trong công tác thống kê, lập hồ sơ thiệt hại để có căn cứ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

Ngành nông nghiệp cũng kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, không giấu dịch, không tự ý bán chạy lợn khi có biểu hiện nghi mắc bệnh. Việc tiêu hủy động vật mắc bệnh phải đúng quy trình, triệt để.
Ngoài ra, cần tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, hóa chất, vôi bột để tiêu độc định kỳ và hạn chế giao thương vận chuyển lợn khi chưa có kiểm dịch.