Bỏ thuế khoán thúc đẩy hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Việc bỏ thuế khoán đối với cá nhân, hộ kinh doanh từ đầu năm 2026 sẽ khuyến khích nhiều hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Hiện, cả nước có hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động và đa số đóng thuế khoán theo doanh thu tự kê khai với cơ quan thuế. Đây chính là lỗ hổng thất thoát lớn vì nhiều hộ kinh doanh có doanh số khủng nhưng không chịu "lớn".
Do đó, nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân - đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể - chuyển đổi phương thức hoạt động, nâng cao năng lực quản trị và từng bước phát triển thành doanh nghiệp, theo Nghị quyết 198/2025/QH được Quốc hội thông qua ngày 17/5/2025, từ ngày 1/1/2026, khoảng gần 3,7 triệu hộ và cá nhân kinh doanh sẽ không còn nộp lệ phí môn bài, đồng thời chấm dứt áp dụng phương pháp khoán thuế. Thay vào đó, việc nộp thuế sẽ thực hiện theo quy định Luật Quản lý thuế. Các thủ tục kê khai sẽ minh bạch và chủ yếu qua phương thức điện tử.

Hộ kinh doanh dù kinh doanh rất nhiều sản phẩm tiêu dùng nhưng nói đến sổ sách ghi chép nhiều khi cũng chẳng đâu ra đâu. Đầu năm sau, thay vì thuế khoán, họ sẽ chuyển sang kê khai thuế bằng điện tử có hóa đơn chứng từ rõ ràng. Lộ trình này đã rút ngắn nửa năm so với kế hoạch ban đầu.
Chuyển sang phương thức kê khai sẽ rõ ràng hơn, quản trị cũng phải bài bản hơn nhưng cũng không ít hộ kinh doanh đang do dự vì cho rằng việc khai báo thuế, ghi sổ kế toán, lập chứng từ mất thời gian và phát sinh nhiều chi phí.
Với những lo lắng này, ngành thuế cho biết đã sẵn sàng nhiều phương thức hỗ trợ các hộ kinh doanh như phần mềm chuyên biệt trên nhiều thiết bị điện tử, cập nhật mọi lúc mọi nơi, các thủ tục cũng đơn giản và dễ thực hiện, cùng với đó là sự trợ giúp trực tiếp từ các cơ quan thuế đối với người nộp thuế.
Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính nhận định: "Phần mềm kế toán miễn phí cho hộ kinh doanh đã được Bộ Tài chính chỉ đạo để triển khai kịp thời, đồng bộ liên quan đến các ứng dụng về khai, về nộp và các sự chia sẻ cơ sở dữ liệu để tạo ra các tờ khai giúp cho hộ kinh doanh thuận lợi trong việc đối chiếu dữ liệu kê khai của mình".
TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nhấn mạnh: Bỏ thuế khoán là cần thiết và đáng lý phải bỏ từ lâu. Hộ kinh doanh là "vùng xám" khi không biết doanh thu là bao nhiêu, số thuế thì thấp. Có một số hộ kinh doanh kinh doanh vài chục tỉ mỗi năm nhưng không chịu lên doanh nghiệp (DN) vì số thuế khoán đóng cố định vài triệu đồng mỗi tháng.
GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định: Tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là bên cạnh việc bỏ thuế khoán còn kèm theo nhiều chương trình hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ; hỗ trợ cá nhân, hộ kinh doanh để khu vực này phát triển chuyên nghiệp, lớn hơn, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của kinh tế cả nước. Việc lựa chọn phương thức quản lý thuế của cá nhân, hộ kinh doanh sẽ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Vì vậy, khi bỏ thuế khoán sẽ phụ thuộc vào loại hình kinh doanh, doanh thu thực tế mà hộ kinh doanh sẽ quyết định có đăng ký chuyển thành DN hay không.
Theo nhiều chuyên gia, thuế khoán từng là công cụ hữu hiệu khi phần lớn hộ kinh doanh chưa có khả năng kê khai đầy đủ, thiếu phương tiện công nghệ.
Tuy nhiên, khi hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt và các công cụ hỗ trợ quản lý doanh thu phát triển mạnh đảm bảo các điều kiện để chuyển sang phương thức kê khai thuế, việc bỏ thuế khoán không chỉ đảm bảo tính minh bạch, bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp mà còn tạo động lực để các doanh nghiệp đổi mới phát triển, hướng tới mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 như Nghị quyết 68 đã đề ra.