Những người mẹ mong tìm lại con là liệt sĩ qua ADN
Đi qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, có rất nhiều người mẹ đã ngày đêm mong ngóng con mình, “chú Bộ đội cụ Hồ” trở về trong vòng tay. Cơ hội đoàn tụ ngày càng khó khăn khi mẹ già như chuối chín cây.
Hơn 50 năm kể từ ngày liệt sĩ Lê Hữu Khuôn hy sinh tại chiến trường Tây Ninh, hành trình đi tìm mộ liệt sĩ của gia đình ông Lê Huy Viễn, ở phường Ba Đình, TP Thanh Hóa chưa bao giờ ngơi nghỉ. Tập hồ sơ cũ kĩ đã nhuốm màu thời gian mà gia đình ông nâng niu, gìn giữ như báu vật suốt mấy chục năm qua là tất cả những gì ông có về người anh trai đã hy sinh.

Sau khi bố mẹ mất, ông Viễn cũng không có nhiều thông tin về người anh trai liệt sĩ, chỉ biết rằng hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, anh trai ông vẫn còn nằm đâu đó trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn.
“Chiến tranh đã kết thúc hơn nửa thế kỷ, hiện nay vẫn còn nhiều liệt sĩ, trong đó có thân nhân của gia đình tôi, vẫn chưa tìm được hài cốt và chưa xác định được an táng ở vị trí nào.

Nay nhờ có sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong việc lấy ADN để tiến hành phân tích gen, đối chiếu các thông tin liệt sĩ, chúng tôi rất vui mừng và tin tưởng rằng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tới đây nhiều gia đình sẽ tìm kiếm được hài cốt của các liệt sĩ để quy tập về nơi an nghỉ cuối cùng…” ông Lê Huy Viễn chia sẻ.
Không chỉ gia đình ông Viễn, hiện nay trên cả nước vẫn còn khoảng 500.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính, trong đó 200.000 hài cốt chưa quy tập và 300.000 hài cốt đã an táng nhưng thiếu thông tin danh tính liệt sĩ. Riêng tỉnh Thanh Hóa có trên .000 liệt sĩ được an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc, trong đó có trên 7.000 mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

Thực hiện Đề án thu thập, phân tích mẫu sinh phẩm ADN của thân nhân liệt sĩ nhằm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, cơ quan chức năng đang soát dữ liệu thông tin và thu thập ADN, chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm, xác định và đưa liệt sĩ về đoàn tụ với người thân. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ.
Với tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia, đồng cảm với niềm mong mỏi của thân nhân các gia đình liệt sĩ muốn sớm đưa được hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ tại quê nhà, đến nay, các đơn vị cùng chính quyền địa phương rà soát, thu thập thông tin của hơn 48 nghìn thân nhân liệt sĩ, trong đó có hơn 37 nghìn thông tin thân nhân liệt sĩ không xác định được danh tính.
Riêng trong đợt cao điểm thu nhận mẫu ADN của thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được danh tính (từ 12 đến 16/5/2025), các lực lượng chức năng đã thu nhận thành công 932 mẫu ADN của thân nhân các liệt sĩ. Đây là những mẫu ADN vô cùng quý báu nhằm làm phong phú hơn những thông tin, dữ liệu khoa học để đối chiếu, so sánh với dữ liệu ADN liệt sĩ, từ đó tìm ra danh tính của các liệt sĩ, thắp lên niềm hy vọng của các gia đình trong hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã bố trí đủ nhân lực, máy móc, thiết bị đọc dữ liệu căn cước để xác thực thông tin người được lấy mẫu, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và an toàn y tế. Đồng thời lập 10 trạm thu nhận mẫu ADN cố định và triển khai hàng trăm tổ công tác lưu động trực tiếp đến từng nhà thân nhân liệt sĩ ở vùng sâu, vùng xa, gặp khó khăn về đi lại, sức khỏe yếu để thu nhận mẫu ADN, bảo đảm tất cả các thân nhân liệt sĩ đều được thu nhận mẫu ADN, không bỏ sót bất kỳ trường hợp nào.
Nhiều gia đình liệt sĩ đã có thêm niềm hy vọng sớm tìm lại được hài cốt liệt sĩ thông qua ngân hàng gen ADN. Đây là bước chuẩn bị đầu tiên nhưng hết sức quan trọng trong hành trình tìm, đưa liệt sĩ về với người thân. Qua sàng lọc thông tin nhân thân, từ đó xác định chính xác các thông tin cần thu thập cũng như địa chỉ và những thân nhân có thể thu nhận ADN. Cùng với đó chia ra nhiều tổ, nhiều mũi thực hiện cùng một lúc tại các điểm có tính tập trung…
Một lực lượng khác sẽ lưu động đến từng nhà mẹ liệt sĩ không có điều kiện đến các điểm, các mẹ đã già yếu, khó khăn trong việc đi lại để thu mẫu và xác thực danh tính tại nhà riêng.
Trong hành trình “trả lại tên cho anh” cần nhiều thời gian, công sức, khoa học nhưng đó là cái nghĩa phải làm để những người con ngã xuống vì Tổ quốc có thể trở về yên nghỉ trong lòng đất Mẹ. Đó cũng là sự tri ân của thế hệ hôm nay cho lớp cha, anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do.