Chính phủ th́ng nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tn giáo
Chính trị - Ngày đăng : 08:21, 20/09/2016
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày cho biết, về hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo, nhiều ĐBQH đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn việc các tổ chức, cá nhân tôn giáo được tham gia vào các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động nêu trên, phù hợp với năng lực, đường hướng hoạt động và phát huy tốt vai trò trong đời sống xã hội. Những vấn đề cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục… để tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động này cần tuân thủ pháp luật chuyên ngành.
Cần thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo
Về cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đa số đại biểu cho rằng, việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này hiện còn phân tán và đề nghị quy định ngay trong Luật cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý về lĩnh vực này.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, việc quản lý nhà nước về tín ngưỡng đến nay chưa phân công rạch ròi. Quản lý nhà nước về tôn giáo được giao cho Ban Tôn giáo Chính phủ, còn quản lý nhà nước về lễ hội tín ngưỡng giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm nhận. Quản lý nhà nước về tín ngưỡng còn lấp lửng, để trống, chưa giao cơ quan nào.
Đại biểu tham gia phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân lý giải ở góc độ khác, chính vì vậy Điều 62 dự thảo Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước. Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Việc quản lý nhà nước sẽ được phân định theo hướng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về tôn giáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước về lễ hội, tín ngưỡng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng cho rằng tín ngưỡng và tôn giáo là hai vấn đề gắn bó mật thiết với nhau. Bộ Nội vụ - cơ quan soạn thảo và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cơ quan thẩm tra dự án Luật cũng đã đánh giá việc giao chức năng quản lý tôn giáo cho Bộ Nội vụ chưa thực sự phù hợp vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần. Do đó, hoạt động quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo còn phân tán, thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đưa ra 3 loại ý kiến nhưng cuối cùng lại tán thành giao Chính phủ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Nhìn nhận vấn đề này cũng giống việc phân định chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề trước đây, tranh cãi nhiều nhưng rồi lại giữ nguyên, hay việc chuyển thi hành án phạt tù sang Bộ Tư pháp mãi không ngã ngũ, bà Lê Thị Nga đề nghị cần phân tích rõ các ưu, nhược điểm của các phương án để có cơ sở cho đại biểu quyết định. Chính phủ phải có quan điểm dứt khoát về vấn đề này, bà Nga đề nghị.
Nêu quan điểm của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, không thể theo phương án có một cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo độc lập bởi cơ cấu Chính phủ đã được Quốc hội quyết định. Việc đưa chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là chưa nên. Nên thống nhất theo Điều 62 là giao Chính phủ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước, Chính phủ sẽ tính toán cân nhắc phân công – Chủ tịch Quốc hội nói.
Tổ chức tôn giáo được thực hiện các hoạt động giáo dục
Hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo, trong đó có hoạt động giáo dục được quy định tại Điều 55 của dự thảo Luật là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các đại biểu. Điều 55 đã đưa ra hai phương án, trong đó phương án 1 là tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục; phương án 2 là tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục. Bên cạnh ý kiến đề nghị dự thảo Luật chỉ quy định chung về việc tổ chức tôn giáo được thực hiện các hoạt động giáo dục còn những nội dung cụ thể sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật về giáo dục; một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật quy định rõ, cho phép các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở giáo dục, thực hiện hoạt động giáo dục bình đẳng với các tổ chức xã hội khác.
Nhìn lại thời điểm xây dựng Luật Giáo dục trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, khi cho ý kiến vào Điều 49, có ý kiến đã đề cập đến việc tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc có được thành lập cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân hay không. Sau nhiều lần thảo luận, vấn đề này vẫn bỏ ngỏ. Việc nâng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo lên thành Luật tín ngưỡng, tôn giáo chính là cơ hội để giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Đưa ra quan điểm giáo dục chung trên thế giới là không đưa tôn giáo vào trong giáo dục nhưng cho tổ chức tôn giáo làm giáo dục, được thành lập trường, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Luật Giáo dục của nước ta quy định không được đưa tôn giáo vào trong trường học. Luật cũng chưa nói đến việc tổ chức tôn giáo được thành lập trường. Tuy nhiên, trong thực tế việc các tổ chức tôn giáo mở trường là có và việc này được thực hiện khá tốt. Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thiết kế điều khoản này cũng nhằm khuyến khích các hoạt động thiện nguyện và các mặt tích cực của các tổ chức tôn giáo. Ông Phan Thanh Bình cũng cho rằng, nếu giới hạn luôn trong Luật về việc mở trường ở cấp nào hay loại nào sẽ rất khó thực hiện. Do vậy, Luật thiết kế hai phương án, trong đó có một phương án chung chung là theo “pháp luật giáo dục”, chứ không chỉ Luật Giáo dục vì dưới luật còn có nhiều quy định rất chặt chẽ. Nhưng điều này cũng lại kẹt ở chỗ trong Luật Giáo dục không nói đến tổ chức tôn giáo được mở trường. Vì vậy, việc mở trường sẽ rất khó. Chính vì điều này, dự thảo Luật đã đưa ra thêm phương án rõ hơn là được mở trường nhưng tuân thủ theo pháp luật về giáo dục và các luật khác.
Nghiêng về phương án “tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết khi làm Luật Giáo dục, đã đề cập đến vấn đề này nhưng không quy định trong Luật Giáo dục mà để đến khi làm luật về tôn giáo.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chọn phương án 1 là chung chung, không giải quyết được vấn đề, chọn phương án 2 sẽ rõ hơn, khẳng định luôn trong Luật là tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc được thành lập cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với quy định về tham gia các lĩnh vực khác như y tế, nhân đạo... của các tổ chức tôn giáo như Điều 56 dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng nước ta đang chủ trương xã hội hóa giáo dục và thực tế các tôn giáo đã mở trường dạy học. Vấn đề là phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về giáo dục, được mở trường và phải dạy đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giữ quan điểm của cơ quan soạn thảo là đưa ra một quy định chung, “tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thực hiện các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong thực tế đây là vấn đề rất phức tạp và quy định như vậy là “mở”; không nên đặt vấn đề cho phép các tổ chức tôn giáo thực hiện hoạt động giáo dục bình đẳng với các tổ chức xã hội khác.