Chính trị

Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp tại Hà Nội

Hạnh Nguyên/Báo Nhân Dân 01/07/2025 - 21:57

Chiều 1/7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác của Trung ương đi thăm, kiểm tra hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp tại xã Phúc Thịnh, phường Tây Hồ, Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố Hà Nội (Chi nhánh 1).

to_lam.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi đến thăm, kiểm tra hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp tại phường Tây Hồ, thành phố Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo một số bộ, ngành và thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo của các đơn vị, phường Tây Hồ được thành lập trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hành chính liền kề, bảo đảm phù hợp về địa giới, dân cư, điều kiện phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế địa lý của Hồ Tây.

Phường có diện tích tự nhiên 10,72km2, quy mô dân số 100.122 người, 67 tổ dân phố. Với vị trí địa lý tiếp giáp với các trục giao thông quan trọng, gần trung tâm Thủ đô và điều kiện tự nhiên bao trọn Hồ Tây, không gian cảnh quan đẹp, phường hội tụ các điều kiện tự nhiên đặc sắc, có giá trị cao về sinh thái, văn hóa, du lịch, dịch vụ, thuận tiện kết nối với các khu vực phát triển dịch vụ-kinh tế-hành chính của thành phố.

Sau sáp nhập, bộ máy được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động được sắp xếp hợp lý, cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Xã Phúc Thịnh được thành lập trên cơ sở 5 xã: Nguyên Khê, Bắc Hồng, Nam Hồng, Tiên Dương, Vân Nội và một phần của thị trấn Đông Anh, có diện tích tự nhiên 42,68km², quy mô dân số khoảng 90.926 người. Xã nằm ở phía bắc của Thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ nối liền sân bay quốc tế Nội Bài với Thủ đô và các tỉnh phía bắc.

Trên địa bàn xã đã cơ bản phủ kín quy hoạch phân khu đô thị và một phần diện tích đã được lập quy hoạch chi tiết 1/500 phục vụ đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hạ tầng giao thông khung đã và đang được đầu tư đồng bộ với các trục Nhật Tân-Nội Bài, trục Võ Văn Kiệt, trục Quốc lộ 3 và đang triển khai trục vành đai 3…, trong đó trục Nhật Tân-Nội Bài là trục động lực của xã và của Thủ đô với định hướng phát triển: Trung tâm tài chính-thương mại-dịch vụ-logistics.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố Hà Nội (Chi nhánh 1) đặt mục tiêu trong tháng 9/2025, hoàn thành chỉ tiêu 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.

Theo đó, chi nhánh đã sắp xếp triển khai tiếp nhận thủ tục hành chính của 126 xã, phường mới; quán triệt thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc sử dụng hồ sơ điện tử, không yêu cầu hồ sơ bản giấy, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành yêu cầu bắt buộc, để hạn chế tình trạng luân chuyển hồ sơ giấy đến sở, ngành và 126 xã, phường, gây tốn kém thời gian, ngân sách; không yêu cầu người dân nộp bản sao căn cước công dân, thay vào đó, dữ liệu được xác minh qua mã định danh hoặc hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Phát biểu chỉ đạo đối với các đơn vị, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương sự chuẩn bị chu đáo của cấp ủy, chính quyền để bộ máy mới vận hành hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, tổ chức vận hành bộ máy như thế nào để phụng sự nhân dân, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính là thử thách, đồng thời cũng là vinh dự, trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Các đồng chí được giao trọng trách mới cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến, bản lĩnh chính trị, trí tuệ và đạo đức công vụ; là người tiên phong trong đổi mới tư duy quản lý, lấy hiệu quả phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Phải chuyển từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ, chuyển từ “làm hết trách nhiệm” sang “làm đến nơi đến chốn”, làm cho dân tin, dân thuận, dân ủng hộ.

Cần đặc biệt quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ phù hợp, duy trì đoàn kết, thống nhất, kiên quyết chống biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm, bè phái, chia rẽ nội bộ.

Nhấn mạnh thời gian tới, khối lượng công việc đặt ra rất lớn, Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội tiếp tục bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo các xã, phường, các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm cao, phương pháp tổ chức khoa học và sự phối hợp đồng bộ giữa các khối, các ngành; đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục triển khai thực hiện các công việc, không để gián đoạn; bộ phận tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính hoạt động thông suốt, bảo đảm gần dân, sát dân và lấy người dân là trung tâm.

Các cơ quan của Trung ương và thành phố tiếp tục quan tâm sâu sát hoạt động của chính quyền cơ sở, thường xuyên nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh từ thực tiễn cơ sở.

Tổng Bí thư nêu rõ, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các đơn vị là tập trung chuẩn bị tốt Đại hội Đảng bộ xã, phường lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030, trọng tâm là báo cáo chính trị phải thể hiện tầm nhìn chiến lược, có chiều sâu, phản ánh đúng thực tiễn phát triển, nhận diện rõ các điểm nghẽn, lựa chọn chính xác các khâu đột phá...

Cùng đó, các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm; thực hiện tốt các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô… Trong đó, phải chủ động xây dựng các chương trình hành động một cách khoa học, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình cụ thể. Mỗi nhiệm vụ cần xác định rõ cơ quan chủ trì, đơn vị phối hợp, người chịu trách nhiệm, tiến độ thực hiện, tiêu chí đánh giá kết quả.

Đây không chỉ là yêu cầu về mặt hành chính, mà còn là biểu hiện sinh động của tinh thần đổi mới tư duy quản lý, phương pháp tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng trong thực tiễn.

Các đơn vị tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy; tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2026-2031.

Hạnh Nguyên/Báo Nhân Dân