Phóng sự - Ghi chép

Giữ hồn thổ cẩm nơi đại ngàn xứ Nghệ

Gia Ân 02/07/2025 - 08:57

Không chỉ là nghề thủ công truyền thống, dệt thổ cẩm ở Nghệ An còn là sợi dây gắn kết giữa quá khứ với hiện tại, giữa con người với thiên nhiên và văn hóa. Giữa nhịp sống hiện đại, những tấm thổ cẩm vẫn âm thầm mang theo hơi thở của đại ngàn, được gìn giữ bởi những người phụ nữ miền sơn cước – những người đang từng ngày thắp sáng hồn dân tộc bằng đôi bàn tay cần mẫn.

Bàn tay người mẹ, sợi chỉ thời gian và ký ức dệt nên di sản

Nghệ An là nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em như Thái, Mông, Thổ, Khơ Mú… Trong số những nét văn hóa đặc sắc còn được lưu giữ, nghề dệt thổ cẩm được xem như biểu tượng văn hóa truyền thống độc đáo, được ví như “bảo tàng sống” của mỗi dân tộc.

z6759405132040_d0bbd2678be12082abcc2996fb6701db.jpg
Người Thái không chỉ dệt các loại vải thô, vải sọc, vải ô vuông đơn giản mà còn kết hợp thêu hoa văn qua các thao tác cài, đan trực tiếp trên khung dệt, tạo nên những sản phẩm đẹp mắt.

Tại bản Mác – Thạch Giám, Tương Dương (cũ), sau những mùa vụ bội thu, tiếng khung cửi lại vang lên nhịp nhàng trong từng nếp nhà sàn.

Phụ nữ Thái nơi đây – từ bà, mẹ đến các cô gái trẻ – đều thành thạo nghề dệt. Dưới đôi tay khéo léo, từng sợi chỉ được xe lại thành tấm vải mềm mại, rực rỡ sắc màu.

Nghề dệt được người Thái xem như thước đo phẩm hạnh của người phụ nữ. Cô gái khéo dệt sẽ được xem là vợ đảm, mẹ hiền. Những kỹ năng ấy không học từ trường lớp mà được truyền dạy qua lời ru, qua ký ức của người mẹ bên khung cửi.

anh-3.jpg
Chị Sầm Thị Khuyên bên khung dệt của mình.

Nghệ nhân Lô Thị Minh – một người gắn bó cả đời với khung dệt – cho biết: “Mỗi họa tiết trên tấm thổ cẩm đều mang một ý nghĩa riêng.

Đó có thể là bông hoa cà, cánh chim rừng hay hình ảnh cách điệu của suối, của mây trời. Không ai dệt giống ai, vì mỗi người có cách nhìn và cảm nhận khác nhau”.

Đặc biệt, điểm khác biệt của thổ cẩm bản Mác là màu sắc được nhuộm từ nguyên liệu tự nhiên như lá cây, vỏ rừng, củ nghệ… giúp tấm vải mềm, thoáng, giữ màu bền bỉ qua thời gian.

Hồi sinh từ khung cửi: Thổ cẩm bước ra thị trường

Không để thổ cẩm chỉ tồn tại trong ký ức, người dân Nghệ An – đặc biệt là ở bản Hoa Tiến – xã Châu Tiến – đã chủ động tìm hướng đi mới để “thức dậy” giá trị truyền thống trong thời đại hội nhập.

Hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến ra đời năm 2010 do bà Sầm Thị Bích và một số hộ dân sáng lập, với mục tiêu vừa bảo tồn nghề truyền thống, vừa tạo thu nhập cho người dân lúc nông nhàn.

“Trước kia, mọi thứ đều phải tự làm: từ quần áo đến chăn, khăn… Nhưng rồi hàng công nghiệp tràn về, nghề dệt mai một dần. Phải hành động nếu không muốn nghề bị lãng quên”, bà Bích chia sẻ.

Từ hợp tác xã nhỏ ban đầu, đến nay, hàng chục phụ nữ trong bản đã có việc làm, thu nhập ổn định 2 – 3 triệu đồng/tháng. Sản phẩm không chỉ là váy, áo, khăn piêu, mà còn có cả túi xách, ví, thú bông, giày dép, vật dụng trang trí.

Con gái bà Bích – chị Sầm Thị Tình – đã đưa sản phẩm thổ cẩm lên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, mở cửa hàng mang tên “Hoa Tien Brocade” tại Hà Nội.

det_mau_truyen_thong_3.jpg
Để được gắn sao OCOP là cả một hành trình đầy thăng trầm của dệt thổ cẩm Hoa Tiến.

Năm 2022, chị là đại diện của Việt Nam tham gia Hội thảo nghề dệt truyền thống các nước ASEAN tổ chức tại Malaysia, mang theo tấm thổ cẩm của miền Tây xứ Nghệ đến với bạn bè quốc tế.

Thổ cẩm và khát vọng sống từ làng nghề vùng cao

Hiện Nghệ An có làng nghề dệt thổ cẩm được công nhận, tập trung tại các huyện miền núi như Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu (cũ)… Nghề dệt thổ cẩm không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp hàng nghìn lao động, nhất là phụ nữ, có công việc ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh thành công, làng nghề vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Các cơ sở sản xuất chủ yếu là hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa có mô hình sản xuất hàng hóa quy mô.

Chất lượng, mẫu mã sản phẩm vẫn mang tính truyền thống, chưa bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại. Thêm vào đó, một số khâu sản xuất thủ công bị thay thế bằng nguyên liệu công nghiệp, làm mất đi “hồn” của thổ cẩm.

Không ít hộ dân phải bỏ nghề vì hàng dệt không tiêu thụ được, trong khi sản phẩm dệt may công nghiệp giá rẻ hơn, tiện dụng hơn. Để giữ nghề, cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức văn hóa.

Tại Quỳ Châu (cũ), mô hình du lịch cộng đồng kết hợp bảo tồn nghề đang là hướng đi hiệu quả. Du khách đến bản Hoa Tiến không chỉ được trải nghiệm văn hóa, mà còn trực tiếp học dệt, tham gia các công đoạn như xe sợi, nhuộm màu tự nhiên… Qua đó, tạo nguồn thu từ chính trải nghiệm văn hóa bản địa.

anh-4(1).jpg
Chị Sầm Thị Bích, Chủ nhiệm HTX thổ cẩm Bản Hoa Tiến 2, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (cũ), tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Hùng Sơn – Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳ Châu (cũ) – cho biết: “UBND huyện đang xây dựng các tour du lịch cộng đồng gắn với các điểm đến văn hóa như hang Bua, thác Khe Bàn, bảo tàng dân tộc… Mục tiêu đến năm 2025 là thu hút trên 40.000 lượt khách/năm, mang về doanh thu hơn 13 tỷ đồng”.

Giữ nghề – Giữ hồn văn hóa dân tộc

Ngày 3/6/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Quyết định số 1657/QĐ-BVHTTDL, chính thức công nhận nghề dệt thổ cẩm của người Thái tại Nghệ An là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình “Nghề thủ công truyền thống”.

Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng với giá trị văn hóa đặc sắc được hun đúc qua bao thế hệ, mà còn mở ra cơ hội để nghề dệt thổ cẩm hồi sinh mạnh mẽ – gắn kết giữa bảo tồn di sản và phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi.

Bởi giữ nghề không chỉ là giữ một công việc thủ công, mà là giữ gìn căn tính văn hóa, giữ lấy tiếng nói của tổ tiên, sắc màu bản sắc và cả khát vọng tương lai.

Mỗi tấm thổ cẩm là một áng thơ không lời, là câu chuyện dệt bằng sợi bông, bằng bàn tay người phụ nữ và tình yêu với núi rừng quê hương.

Tuy vậy, để nghề sống được giữa nhịp phát triển hiện đại, không thể chỉ trông chờ vào tâm huyết của một vài nghệ nhân hay sự kiên trì của những bà, những mẹ bên mái nhà sàn.

anh-5.jpg
Các sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Thái ở Việt Nam nói chung và ở Quỳ Châu (cũ) nói riêng đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường.

Cần những chính sách đồng bộ và lâu dài: từ hỗ trợ kỹ thuật – thiết bị, đào tạo nhân lực trẻ, kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm đến lồng ghép thổ cẩm trong phát triển du lịch cộng đồng.

Như lời bà Sầm Thị Bích – người đã dành cả đời gắn bó với khung cửi – tâm sự: “Giữ được thổ cẩm là giữ được gốc rễ dân tộc mình. Nhưng để sống được bằng nghề, cần sự chung tay của cả cộng đồng”.

Giữ nghề – cũng chính là giữ lấy niềm tự hào văn hóa dân tộc giữa đại ngàn đang đổi thay từng ngày.

Gia Ân