Khơi dậy tiềm năng từ vùng đất trầm tích văn hóa
Sau khi sáp nhập ba đơn vị hành chính từ các xã Duy Trung, Duy Trinh và Duy Sơn, xã Duy Xuyên (TP Đà Nẵng) chính thức hình thành với quy mô lớn cả về diện tích và dân số, cùng với những tầng sâu văn hóa - lịch sử quý giá. Giữa bối cảnh mới, chính quyền và nhân dân nơi đây đang nỗ lực đặt nền móng cho một chiến lược phát triển bền vững, dung hòa giữa di sản và hiện đại.
Tên gọi Duy Xuyên từng là niềm tự hào của cả một huyện giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Nay, khi được chuyển thành một đơn vị hành chính mới, nó không chỉ là sự kế thừa danh xưng, mà còn là sự chắt lọc, lắng đọng của một vùng đất trầm tích, từ tên gọi đến tầm vóc, xã Duy Xuyên hôm nay như một minh chứng cho nỗ lực hòa quyện giữa hiện đại và bản sắc.
.jpg)
Sau khi sáp nhập ba đơn vị hành chính là các xã Duy Trung, Duy Sơn và Duy Trinh, xã Duy Xuyên chính thức hình thành với tổng diện tích hơn 125,78km² và dân số trên 32.200 người, trở thành một trong những xã có quy mô lớn nhất tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (cũ). Việc hợp nhất này không chỉ mở rộng địa giới hành chính, mà còn tạo ra một không gian phát triển liên hoàn, đa dạng từ cánh đồng phì nhiêu Trà Kiệu đến các triền đồi Duy Sơn. Đây là tiền đề thuận lợi cho việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, kết nối vùng miền và khai thác hiệu quả tiềm năng đặc thù từng địa phương.
Tuy nhiên, quy mô lớn cũng đồng nghĩa với những áp lực và thách thức không nhỏ trong công tác điều hành và tổ chức quản lý nhà nước ở cơ sở. Chủ tịch UBND xã Duy Xuyên – ông Đặng Hữu Phúc, thẳng thắn nhìn nhận: “Việc hợp nhất địa bàn rộng, dân cư phân tán khiến bộ máy chính quyền phải thay đổi cách tiếp cận. Cần phải nhanh chóng kiện toàn tổ chức, thống nhất điều hành và quan trọng nhất là phải nắm chắc tình hình từng khu vực để không bỏ sót nhu cầu của người dân”.
.jpg)
Theo ông Phúc, khó khăn hiện nay nằm ở hạ tầng, sự khác biệt về thói quen sản xuất giữa các vùng cũ. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong quản trị địa phương, đặc biệt là vai trò của cán bộ cơ sở trong tiếp cận, lắng nghe và vận động người dân đồng hành với chính quyền.
Chủ tịch UBND xã Duy Xuyên cho biết, dù còn nhiều thách thức sau sáp nhập, nhưng đây sẽ là cơ hội lịch sử, là khởi đầu cho một xã Duy Xuyên mới lớn mạnh, văn minh và bền vững. Trong giai đoạn hiện nay, điều quan trọng là giữ vững sự đoàn kết trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và mối gắn bó giữa chính quyền với nhân dân. Mọi định hướng phát triển đều phải bắt nguồn từ thực tiễn và phục vụ thiết thực cho đời sống của người dân, cốt lõi vẫn là niềm tin và sự đồng thuận của người dân.
Trong câu chuyện xây dựng quê hương, ông Đặng Hữu Phúc cho rằng, người dân chính là chủ thể của mọi chương trình phát triển. Khi người dân thấy rõ lợi ích, thấy sự minh bạch và trách nhiệm từ chính quyền thì sẽ không ai đứng ngoài cuộc. "Mục tiêu là xây dựng một chính quyền phục vụ, gần dân và vì dân”, ông nói.
.jpg)
Bên cạnh đó, xã Duy Xuyên sau sáp nhập là địa phương có bề dày về văn hóa, lịch sử ghi dấu phong trào cách mạng như Đặc khu Ủy Quảng Đà, cũng là nơi giao thoa giữa các tầng trầm tích văn hóa lâu đời và truyền thống yêu nước kiên cường. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, mà còn lưu giữ nhiều di tích tôn giáo, tín ngưỡng như Nhà thờ Ngũ xã, lăng Bà Đoàn Quý Phi… Tất cả tạo nên một không gian văn hóa – lịch sử phong phú, trở thành nguồn lực tinh thần quý báu để xã Duy Xuyên hôm nay tiếp tục phát triển bền vững trên nền tảng giá trị truyền thống. Tuy nhiên , điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho địa phương trong quá trình phát triển hạ tầng hiện đại nhưng tuyệt đối không phá vỡ cấu trúc văn hóa, lịch sử vốn có.
Trong thời gian tới, xã định hướng mở rộng giao thông liên kết, tiếp tục hoàn thiện các khu dân cư kiểu mẫu theo hướng xanh – sạch – bền vững. Đặc biệt, các di tích như Dinh Bà Chiêm Sơn, Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu, Lăng Bà Đoàn Quý Phi, Đặc khu Quảng Đà… sẽ tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo để trở thành biểu tượng văn hóa, nơi giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương.
Ông Phúc cũng nhấn mạnh: “Tôi tin rằng, chính từ những gì thuộc về ký ức, ta có thể định hình tương lai. Một xã Duy Xuyên khang trang nhưng không lạc lõng, một chính quyền hiện đại nhưng không tách rời nhân dân, đó là điều mà chúng tôi hướng tới”.
Duy Xuyên hôm nay đang viết tiếp hành trình của một vùng đất trầm tích với những giá trị văn hóa, lịch sử, đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình. Tuy nhiên, đi đến đích, không gì quan trọng hơn là sự đoàn kết, đồng lòng từ người dân đến hệ thống chính trị cơ sở, niềm tin của người dân chính là cội nguồn lớn nhất cho một chặng đường phát triển dài lâu.