Đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc tại các đô thị lớn
Trước những thách thức không nhỏ về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, việc quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, hiệu quả, bền vững đã trở thành yêu cầu cấp bách, một trong những yếu tố then chốt để Hà Nội hướng tới tương lai phát triển bền vững.
Hạ tầng giao thông đang chịu áp lực nặng nề
Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, hiện toàn thành phố có trên 8 triệu dân với hơn 9,2 triệu phương tiện các loại đăng ký, chưa kể hơn 1,2 triệu phương tiện từ địa phương khác lưu thông hàng ngày. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân từ 4 - 5%/năm cao hơn nhiều so với tốc độ phát triển hạ tầng giao thông (chỉ đạt 0,35%/năm). Mặt khác, ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.

Tất cả những yếu tố trên đang góp phần khiến hạ tầng giao thông Hà Nội bị áp lực nghiêm trọng. Thành phố đang có tới 36 điểm ùn tắc thường xuyên trong giờ cao điểm và hơn 230 điểm có nguy cơ ùn tắc cao. Diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 12,%, trong khi theo quy hoạch cần đạt 20-26%.
Ước tính, thiệt hại kinh tế do ùn tắc giao thông tại Hà Nội giao động từ 1 đến 1,2 tỷ USD mỗi năm. Người dân mất trung bình từ 30 đến 60 phút/ngày do kẹt xe.
Trước thực trạng đó, trong những năm gần đây, Hà Nội đã chủ động triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược nhằm khép kín vòng vành đai, kết nối giao thông đồng bộ; đầu tư 7 cầu lớn qua sông Hồng; để bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, trong thời gian qua Thành phố chủ động triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, để khép kín các tuyến đường vành đai, các tuyến quốc lộ hướng tâm; đầu tư 7 cầu lớn qua sông Hồng; đầu tư các tuyến đường sắt đô thị.
Trong đó, dự án đường Vành đai 4 cơ bản hoàn thành trong năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027; tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính đã khởi công ngày 17/5; cầu Tứ Liên khởi công ngày 19/5; các cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi sẽ lần lượt khởi công ngày 19/8 và 2/9/2025.
Giai đoạn 2025-2030, thành phố sẽ đầu tư hơn 100km đường sắt đô thị. Trong đó, các tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Văn Cao - Hòa Lạc đang chuẩn bị đầu tư, phấn đấu khởi công trong năm 2025.
Ngoài ra, các tuyến hạ tầng giao thông khung như quốc lộ 6, nút giao Vành đai 3,5 - Đại lộ Thăng Long, đường trục phía Nam, đường Vành đai 3 phía Bắc đang khẩn trương triển khai theo tiến độ yêu cầu.
Bên cạnh việc đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, trợ giá vé cho hành khách, thành phố đã ban hành nghị quyết triển khai vùng phát thải thấp; phê duyệt đề án và đang chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh; triển khai đề án xe đạp công cộng; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển phương tiện và hạ tầng giao thông xanh, khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương tiện cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng phương tiện giao thông xanh, sạch.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội vẫn diễn biến ngày một phức tạp. Việc sử dụng hệ thống giao thông công cộng so với nhu cầu thực tế và tiềm năng phát triển, hệ thống giao thông công cộng Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành lựa chọn ưu tiên của đa số người dân. Tỷ lệ đảm nhận của giao thông công cộng hiện khoảng 19,5%, con số khá khiêm tốn so với mục tiêu 30 - 35% vào năm 2025.
Cần bổ sung tư duy quy hoạch đô thị và thay đổi thói quen di chuyển
Theo các chuyên gia, để chữa bệnh ùn tắc giao thông, giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất cần xuất phát từ công tác quy hoạch đô thị và quá trình thực hiện quy hoạch. Khi lập quy hoạch cần tính toán kỹ lưỡng quy mô dân số hợp lý với tầm nhìn dài hạn, từ đó có định hướng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Những khu vực được quy hoạch là công trình công cộng, không gian sinh hoạt chung cho cộng đồng cư dân cần được tuân thủ nghiêm ngặt, tránh việc điều chỉnh tùy tiện mục đích công trình, mật độ xây dựng, làm phá vỡ tính chỉnh thể, thống nhất của quy hoạch.
Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, phát triển giao thông công cộng cần được xác định là ưu tiên hàng đầu. Không gian, quỹ đất cho giao thông công cộng cần được phân định rõ ngay từ quy hoạch, làm cơ sở cho việc triển khai trên thực tế. Bên cạnh đó, việc tạo thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện công cộng cũng góp phần quan trọng hạn chế xe cá nhân, giảm lượng xe lưu thông trên đường.
Do đó, thành phố cần tiếp tục ưu tiên phát triển phương thức vận tải khối lượng lớn như đường sắt đô thị, đây là xương sống của hệ thống giao thông công cộng Hà Nội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đã được phê duyệt và nghiên cứu mở rộng mạng lưới trong tương lai.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới xe buýt, bảo đảm có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Đặc biệt là các tuyến liên kết vùng, bảo đảm kết nối thuận tiện giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, có lộ trình, chính sách chuyển đổi dần toàn mạng lưới sang xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng sạch để góp phần giảm thiểu cả giao thông lẫn ô nhiễm môi trường.

Giao thông công cộng không chỉ phục vụ mục đích di chuyển mà còn có thể tạo ra các cơ hội kết nối cộng đồng giúp người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội nhiều hơn. Vì vậy, bên cạnh việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường thì việc thay đổi thói quen di chuyển và tiếp cận các không gian sống hiện đại, tiện nghi hơn mà không cần phụ thuộc vào xe cá nhân cũng rất quan trọng.
Như vậy, việc nâng cao sức hấp dẫn của giao thông công cộng tại Hà Nội không chỉ giúp giảm ùn tắc, ô nhiễm và tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra một sự thay đổi trong thói quen di chuyển của người dân. Đây là một bước đi quan trọng để khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân và chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng, đóng góp vào việc xây dựng một Hà Nội thông minh, hiện đại và bền vững hơn trong tương lai.
Hà Nội hiện có khoảng 9,2 triệu phương tiện giao thông, trung bình mỗi năm tăng thêm từ 4 - 5%, nhưng hạ tầng giao thông chỉ tăng 0,3%/năm. Diện tích đất dành cho giao thông khoảng 12,%, (theo quy hoạch là 20 - 26%); mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường đã vượt 6 - 8 lần thiết kế. Thành phố có 36 điểm ùn tắc giao thông thường xuyên trong giờ cao điểm, hơn 230 điểm có nguy cơ ùn tắc cao. Ước tính, thiệt hại kinh tế do ùn tắc giao thông tại Hà Nội từ 1-1,2 tỷ USD mỗi năm; người dân mất trung bình từ 30 - 60 phút/ngày do kẹt xe.