Gia Lai sau hợp nhất: Tăng trưởng mạnh, quyết liệt vượt 'điểm nghẽn', khai phá dư địa mới
Ngày 3/7, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, triển khai giao chỉ tiêu cho 58 xã, phường mới của tỉnh Bình Định trước đây.
Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh khẳng định tinh thần đổi mới mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả là nền tảng để tỉnh bứt phá, trở thành trung tâm liên kết vùng chiến lược ở khu vực Tây Nguyên – Duyên hải Trung Bộ.
GRDP 6 tháng đầu năm tăng 7,5%, công nghiệp – đầu tư tiếp đà khởi sắc
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai cho biết, GRDP 6 tháng đầu năm của Gia Lai (mới) tăng 7,5%, duy trì đà tăng ổn định. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đóng vai trò đầu kéo quan trọng.
Hai địa phương hợp nhất tiếp tục phát huy các thế mạnh: Bình Định giữ vai trò đầu tàu công nghiệp – logistics với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,03%, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đạt mức cao; Gia Lai phát huy lợi thế về nông – lâm nghiệp, năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến sâu.

Toàn tỉnh Bình Định đã thu hút 68 dự án đầu tư mới, tổng vốn đăng ký trên 41.000 tỷ đồng, trong đó có 8 dự án FDI, tổng vốn trên 1 tỷ USD. Khu vực Gia Lai cũ cũng ghi nhận con số ấn tượng: 49 dự án với gần 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư được phê duyệt.
Thu ngân sách đạt 13.656 tỷ đồng, trong đó Bình Định đạt 10.055 tỷ đồng (tăng 55% so với cùng kỳ), Gia Lai đạt 3.601 tỷ đồng (tăng 4%).
Kết cấu hạ tầng được ưu tiên, định hình không gian phát triển chiến lược
Hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn đã được phê duyệt triển khai đồng bộ trên cả hai địa bàn: Tuyến kết nối Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định; Cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; Đường cất – hạ cánh số 2 sân bay Phù Cát; Cảng biển Phù Mỹ và hệ thống logistics liên tỉnh...
Đây là những công trình trọng điểm có vai trò tạo hành lang phát triển mới, liên kết không gian đồng bằng – cao nguyên, biển – rừng, tạo trục động lực cho tăng trưởng toàn vùng.
Ở khu vực Gia Lai, các dự án như KCN Nam Pleiku, nâng cấp cảng hàng không Pleiku, các cụm công nghiệp gắn với năng lượng tái tạo và chế biến nông sản quy mô lớn đang được ưu tiên tháo gỡ vướng mắc để sớm triển khai.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng nhìn nhận rõ những tồn tại: Chậm điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng các cấp khiến nhiều dự án bị ách tắc.
Một số dự án trọng điểm như điện gió, KCN Nam Pleiku, đấu giá đất… gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục.
Chênh lệch về hạ tầng, cơ chế, năng lực điều hành giữa hai địa phương cũ vẫn là rào cản trong quá trình hợp nhất và vận hành bộ máy mới.
Nông nghiệp còn nhỏ lẻ, sản phẩm thiếu liên kết chuỗi; khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại ở một số cụm công nghiệp và làng nghề.
Tái cơ cấu tổ chức: Rõ người – rõ việc – rõ trách nhiệm
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, Gia Lai (mới) đang bước vào thời kỳ tái cấu trúc toàn diện bộ máy quản lý. Bộ quy tắc vận hành mới được ban hành với phương châm “Rõ người – Rõ việc – Rõ sản phẩm – Rõ tiến độ – Rõ trách nhiệm – Rõ thẩm quyền”.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn chỉ rõ: “Không được hòa tan cái riêng, mà phải tạo ra cái chung lớn mạnh hơn”. Theo đó, 135 xã, phường trên toàn tỉnh – đặc biệt 58 xã từ Bình Định – đã được giao chỉ tiêu phát triển cụ thể, có kịch bản tăng trưởng rõ ràng từng quý, từng tháng. Địa phương nào chậm triển khai, thiếu năng lực sẽ bị kiểm điểm công khai.
Tỉnh Gia Lai mới đặt mục tiêu GRDP 6 tháng cuối năm tăng từ 7,2 – 7,7%; cả năm đạt 7,3 – 7,6%, với công nghiệp – xây dựng tăng trên 10%, dịch vụ tăng gần 8%, nông nghiệp ổn định từ 4 – 4,4%.

Tỉnh đang khẩn trương xây dựng Quy hoạch tỉnh Gia Lai (mới) thời kỳ 2025 – 2030, tầm nhìn 2050, đảm bảo liên kết vùng – liên ngành – liên cấp, khai thác tối đa tiềm năng và dư địa phát triển đa vùng sinh thái: biển – đồng bằng – cao nguyên.
Ngoài ra, tỉnh xác định chuyển đổi số, ứng dụng khoa học – công nghệ là “chìa khóa” đột phá trong quản lý, điều hành. Toàn bộ dữ liệu công nghiệp, hành chính, dân cư đang được chuẩn hóa để xây dựng chính quyền số – nền tảng cho phát triển kinh tế số trong tương lai.
Gia Lai hậu hợp nhất không đơn thuần là sự cộng gộp diện tích và dân số, mà là quá trình thiết kế lại cấu trúc phát triển. Trong khó khăn vẫn tiềm ẩn cơ hội lớn. Nếu các “nút thắt” về thể chế, hạ tầng, năng lực quản lý được tháo gỡ, Gia Lai hoàn toàn có thể trở thành trung tâm kinh tế mới – kết nối miền Trung với Tây Nguyên và xa hơn là hành lang phát triển tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.