Tin địa phương

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Sáp nhập xong là lúc hành động, không thể chần chừ

Đức Hồ 03/07/2025 - 20:03

Sau khi chính thức sáp nhập, tỉnh Gia Lai bước vào giai đoạn phát triển mới với quy mô diện tích và dân số lớn, mở ra nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít thách thức đòi hỏi sự quyết liệt, đồng bộ trong điều hành và hành động cụ thể từ chính quyền các cấp.

Vị trí trung tâm kết nối, tiềm năng đa dạng

Với diện tích tự nhiên hơn 21.576km², dân số trên 3,5 triệu người, Gia Lai hiện là tỉnh có diện tích lớn thứ hai cả nước (sau Lâm Đồng), đồng thời cũng là một trong những địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã, phường lớn với 135 xã, phường.

Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai nhận định: “Việc mở rộng quy mô địa giới không chỉ mang ý nghĩa địa lý, hành chính, mà là cơ hội chiến lược để Gia Lai bứt phá mạnh mẽ, phát triển nhanh và bền vững".

c5574a-4ada-448a-b839-e8ca426e1b3b.jpeg
Thành phố Quy Nhơn, Bình Định (cũ).

Theo ông Dũng, Gia Lai đang nắm giữ vị trí đặc biệt khi nằm ở trung tâm liên kết giữa Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, là cầu nối giữa cảng biển quốc tế Quy Nhơn với vùng cao nguyên Pleiku và khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đang được đầu tư từng bước đồng bộ, với hệ thống sân bay, cảng biển, đường bộ và cửa khẩu quốc tế hiện hữu. Trong tương lai gần, các dự án trọng điểm như sân bay quốc tế, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao và cảng nước sâu Phù Mỹ sẽ tạo cú huých mạnh mẽ cho các lĩnh vực logistics, công nghiệp chế biến và du lịch.

“Gia Lai gần như hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển toàn diện. Có vùng cao nguyên, bờ biển dài 134km, đồng bằng trù phú, hai sân bay, cảng biển… Hiếm địa phương nào có lợi thế tổng hợp như vậy”, ông Dũng đánh giá.

Quyết liệt hành động, không để tiềm năng mãi là tiềm năng

Dù sở hữu nhiều lợi thế, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập. Nhiều tuyến giao thông, đặc biệt là mạng lưới liên kết vùng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ, thiếu các dự án dẫn dắt.

“Nếu không chủ động thay đổi tư duy, biết cách khai thác tiềm năng và thu hút doanh nghiệp chiến lược, chúng ta sẽ lãng phí cơ hội”, ông Dũng cảnh báo.

Trách nhiệm, theo ông, phải bắt đầu từ chính quyền cấp xã, phường. Tỉnh sẽ giao chỉ tiêu cụ thể đến từng đơn vị, từng cán bộ, gắn với cơ chế đánh giá minh bạch theo nguyên tắc "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ sản phẩm, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm.

“Không làm được thì xin rút lui, nhường chỗ cho người khác. Tinh thần là phải quyết liệt, có sản phẩm cụ thể, không né tránh”, Bí thư tỉnh ủy nói rõ.

064df740-63ef-4d71-a9e3-353a012835fc.jpeg
Bí thư tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng.

Ông Dũng cho biết, các dự án động lực như cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cảng Phù Mỹ… sẽ là “phép thử” đầu tiên cho bộ máy lãnh đạo xã, phường sau sáp nhập.

“Nếu cán bộ không đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng thì phải chuyển chỗ khác. Không thể để ách tắc do thiếu quyết tâm. Làm là phải đến nơi đến chốn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan được yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ hệ thống quy hoạch, dữ liệu, hạ tầng số, thống kê để xây dựng các kịch bản tăng trưởng phù hợp với quy mô tỉnh mới. Đặc biệt, cần tích hợp hai quy hoạch cũ của Bình Định và Gia Lai thành quy hoạch mới mang tầm chiến lược, dài hạn và khả thi.

Ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, nhất quán trong hành động là yếu tố quyết định sự thành công trong giai đoạn mới. “Giờ đây là một nhà, một hướng đi. Ưu tiên là những việc mang lại hiệu quả rõ ràng, cho quê hương Gia Lai”, ông Dũng nêu.

Ông cũng yêu cầu UBND, HĐND tỉnh nhanh chóng hoàn thiện các quy chế làm việc, đề xuất các cơ chế chính sách mới phù hợp với chủ trương của Trung ương và thực tiễn địa phương, để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.

“Muốn phát triển, phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Làm đúng, làm trúng, làm đến nơi đến chốn. Đó là cam kết của tôi và cũng là yêu cầu đối với toàn hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai trong giai đoạn mới”, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng khẳng định.

Đức Hồ