Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn của cán bộ, công chức, viên chức
Hiệu quả thiết thực từ Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần tạo ra chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt trong việc không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia. Đồng thời, Chỉ thị cũng góp phần nâng cao thái độ ứng xử chuẩn mực khi bị xử lý vi phạm và nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và người dân.
Những vụ việc đáng báo động
Khoảng 22h ngày 18/9/2023, lực lượng chức năng phát hiện ông L.H.Q điều khiển xe ô tô có dấu hiệu vi phạm nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, ông Q. không xuất trình giấy tờ, không chấp hành đo nồng độ cồn, buộc Tổ công tác lập biên bản, tạm giữ phương tiện. Sau xác minh, tài xế là Chủ tịch UBND một phường tại Hà Nội và thừa nhận đã sử dụng rượu trước khi lái xe.

Một trường hợp nghiêm trọng khác xảy ra tại Thanh Hóa: khoảng 13h55 ngày 30/11/20, ông L.T.B - Chủ tịch UBND xã Quảng Định, huyện Quảng Xương (cũ) – điều khiển xe ô tô biển số 36A-556.XX đã va chạm với xe máy đi cùng chiều do ông L.V.T (SN 1962, trú tại TP Thanh Hóa(cũ)) điều khiển trên tỉnh lộ 511. Hậu quả, ông T. bị chấn thương sọ não, được chuyển ra Hà Nội cấp cứu nhưng tử vong sau một tuần. Kết quả kiểm tra cho thấy ông B. có nồng độ cồn trong máu. Vụ án được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quảng Xương (cũ) phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông L.T.B theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự với tội danh “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Rượu bia - hiểm họa trên đường giao thông
Việc người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia đã và đang trở thành nỗi lo ngại lớn trong xã hội. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông ở nước ta. Ước tính có tới 40% số vụ tai nạn và 11% số ca tử vong liên quan đến việc sử dụng đồ uống có cồn.

Những vụ tai nạn thảm khốc do rượu bia gây ra đã để lại hậu quả nặng nề cho các nạn nhân, gia đình và chính người gây ra tai nạn. Trong thời gian qua, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông trong nhân dân, góp phần xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang chưa nêu gương, có hành vi vi phạm pháp luật giao thông, thậm chí chống đối, thiếu hợp tác với lực lượng chức năng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự, an toàn xã hội.

Riêng trong quý I/20, lực lượng chức năng đã xử lý 1.035.0 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó 275.130 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 26,8%. Đáng chú ý, hơn 7.600 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên bị xử lý và gửi thông báo về cơ quan quản lý trong năm 2023 và quý I/20.
Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
Nhằm phát huy tinh thần gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong việc tuân thủ pháp luật giao thông, ngày 17/9/20, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở, đồng thời không hợp tác với lực lượng chức năng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân thủ tinh thần "thượng tôn pháp luật", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm; xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông. Quá trình xử lý phải tiến hành xác minh, nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm phải được thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Đối với các trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn gây tai nạn giao thông, có hành vi chống đối, gây rối trật tự công cộng, cản trở hoạt động thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng, phải khẩn trương củng cố hồ sơ, điều tra, phối hợp với các cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi Chỉ thị 35 được ban hành, các bộ, ban ngành và địa phương đã đồng loạt triển khai tuyên truyền, giáo dục đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang bằng nhiều hình thức sát thực. Nhờ đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông, đặc biệt là không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, đã có sự cải thiện rõ rệt.
Từ đó đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong tham gia giao thông, nhất là khi đã uống rượu, bia, cũng như thái độ hành vi ứng xử khi bị xử lý vi phạm; đồng thời, giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiểu biết và nâng cao ý thức chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông.
Chỉ thị 35 của Chính phủ và hệ thống pháp luật hiện hành, khi được thực thi nghiêm túc, đồng bộ với sự nâng cao ý thức của người dân, chính là chìa khóa quan trọng để tăng cường hiệu lực pháp luật và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên thực tế.