Tin địa phương

TP.HCM họp phiên đầu tiên về kinh tế - xã hội sau sáp nhập

Kim Sáng 04/07/2025 - 13:18

Sáng 4/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được chủ trì phiên họp đầu tiên về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2025.

Đây là phiên họp đầu tiên của TP.HCM sau sáp nhập, được kết nối trực tuyến với 168 phường, xã và đặc khu.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của phiên họp lần này trong bối cảnh TP.HCM mới chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Theo ông, việc đánh giá hiệu quả hoạt động trong 4 ngày đầu tiên triển khai là cơ sở quan trọng để điều chỉnh và hoàn thiện bộ máy hành chính tại 168 phường, xã và khu vực đặc thù sau sáp nhập.

Chủ tịch TP.HCM yêu cầu các đơn vị báo cáo cụ thể về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và vận hành bộ máy mới, tình hình thực hiện thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, tỷ lệ người dân đến làm thủ tục hành chính và thái độ phục vụ của cán bộ nhằm đảm bảo sự hài lòng của người dân.

4-7-2025-hop-kt-xh20250704105205.jpg
Toàn cảnh phiên họp kinh tế - xã hội TP.HCM.

UBND TP.HCM đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM mới trong 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực, với sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại mở rộng quy mô, giải ngân vốn đầu tư công cao. Hoạt động sản xuất trong nước ổn định hơn nhờ triển vọng đàm phán thương mại, tiêu thụ nội địa và đa dạng hóa thị trường.

Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại toàn cầu chưa chịu tác động từ việc Hoa Kỳ hoãn áp dụng thuế đối ứng, các doanh nghiệp đã kịp thời ứng phó, đẩy nhanh tiến độ sản xuất để giao hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế còn gặp khó khăn do khối lượng công việc lớn, khiến một số nhiệm vụ còn bị động, chưa đảm bảo tiến độ và chất lượng. Công tác huy động nguồn lực đất đai còn chậm, các quỹ đất lớn chưa hoàn thiện pháp lý. Nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ do thiếu cát san lấp và vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch TP.HCM lưu ý rằng giai đoạn này chưa chịu tác động từ việc Mỹ áp thuế đối ứng. Do đó, ông đề nghị các cơ quan chức năng cần đánh giá kỹ lưỡng ảnh hưởng của chính sách thuế này đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng GRDP trong 6 tháng cuối năm để xác định liệu mục tiêu tăng trưởng 8 - 8,5% cho năm 2025 có khả thi hay không.

Về định hướng về công tác quy hoạch, Chủ tịch TP.HCM cho biết ba địa phương trước sáp nhập đã công bố các đồ án quy hoạch nhưng sắp tới cần có sự điều chỉnh ở góc độ rộng hơn, với tầm nhìn và chiến lược mới để tận dụng lợi thế tổng thể. Mục tiêu đặt ra là đưa TP.HCM mới lọt vào 100 thành phố đáng sống trên thế giới.

Một vấn đề quan trọng khác là việc tổ chức Đại hội Đảng trong 3 tháng tới. UBND TP.HCM sẽ phát động cao điểm thi đua 100 ngày chào mừng đại hội, yêu cầu các cấp, các ngành đề ra các nhóm nhiệm vụ để hoàn thành xuất sắc.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, 6 tháng đầu năm, GRDP TP.HCM tăng trưởng ước đạt 6,56% (tính dầu thô) và 7,49% (nếu không tính dầu thô). Mức chênh lệch này chủ yếu đến từ việc sáp nhập địa giới hành chính, khi GRDP của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) trong 6 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng âm 2,2% do ảnh hưởng lớn từ ngành khai thác dầu thô.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,2%, tổng thu hút vốn FDI đạt hơn 5,2 tỷ đồng, thu ngân sách ước đạt 4.000 tỉ đồng, đạt 60% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công đạt 32% kế hoạch Thủ tướng giao.

Trong đó 6 tháng đầu năm, GRDP TP.HCM (cũ) tăng 7,82% so với cùng kỳ năm 20, thu ngân sách ước đạt 322.000 tỷ đồng, đạt hơn 62% dự toán.

Tăng trưởng GRDP của tỉnh Bình Dương (cũ) 6 tháng đầu năm tăng 8,3%, thu ngân sách ước 44.800 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 4.300 tỷ đồng, đạt tỷ lệ %.

Tăng trưởng GRDP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,61%, thu ngân sách ước 48.000 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư công đạt 9.300 tỷ đồng, đạt 39% vốn.

Kim Sáng