Đẩy nhanh tiến độ Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận
Nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Chính phủ và tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là chủ trương lớn, mang ý nghĩa chiến lược của đất nước trong giai đoạn mới.
Theo quy hoạch, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy. Nhà máy số 1 đặt tại xã Phước Dinh, Nhà máy số 2 đặt tại xã Vĩnh Hải (tỉnh Ninh Thuận). Tỉnh Khánh Hòa được giao chủ trì triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời và tái định cư (TĐC).
Tập trung giải phóng mặt bằng trong năm 2025
Hiện nay, Khánh Hòa đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển điện mặt trời, điện gió, đóng góp khoảng 7,2% sản lượng điện quốc gia. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh năng lượng bền vững, Trung ương đã quyết định khởi động lại Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận sau thời gian tạm dừng.

Tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân – yêu cầu UBND tỉnh và các bộ, ngành liên quan chủ động tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục, đảm bảo hoàn thành công tác GPMB trong năm 2025, tạo điều kiện để chủ đầu tư triển khai xây dựng.
Theo ông Hồ Xuân Ninh – Giám đốc Sở Công Thương Khánh Hòa, khu TĐC cho Nhà máy Điện hạt nhân số 1 được bố trí tại xã Phước Dinh, diện tích hơn 64,8ha với hơn 600 lô đất. Nhà máy số 2 có 2 điểm TĐC tại xã Vĩnh Hải, gồm một khu rộng 54,4ha (629 lô đất) và một khu chỉnh trang dân cư rộng 13,4ha. Tỉnh đang triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đảm bảo người dân sau khi di dời có điều kiện sống tốt hơn. Đây là yêu cầu xuyên suốt của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa: “Tái định cư phải là nơi đáng sống”.

Tổng kinh phí dự kiến cho công tác di dời, TĐC khoảng 12.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đầu cần khoảng 3.200 tỷ đồng. Dự kiến việc thu hồi đất liên quan tới khoảng 1.300ha và hơn 1.200 hộ dân. Các thủ tục như đo đạc bản đồ, thẩm định quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi đất rừng… đang được khẩn trương triển khai.
Cơ chế đặc biệt, quyết tâm đặc biệt
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 189 (ngày 19/2/2025) về một số cơ chế, chính sách đặc biệt cho dự án điện hạt nhân, tỉnh Khánh Hòa đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Trung ương đã trao cho tỉnh nhiều cơ chế đặc biệt: được tách riêng dự án GPMB, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương.

Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng tốc triển khai, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng cam kết.” HĐND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC, trong đó đảm bảo mức hỗ trợ cao nhất, sát với thực tế, giúp người dân an tâm, đồng thuận trong di dời.
Hướng đến mục tiêu phát triển năng lượng hiện đại, bền vững
Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ là biểu tượng cho bước tiến mới của ngành năng lượng Việt Nam, mà còn tạo động lực thúc đẩy hạ tầng, lao động kỹ thuật cao, công nghiệp phụ trợ và đô thị vệ tinh khu vực Nam Trung Bộ. UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất; tập trung GPMB, xây dựng khu TĐC chất lượng cao; phối hợp chặt chẽ với EVN và Petrovietnam trong các bước chuẩn bị đầu tư.
Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của Trung ương, địa phương và chủ đầu tư, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận kỳ vọng sẽ trở thành bước ngoặt quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, hướng tới phát triển xanh, tuần hoàn và phát thải thấp.