Câu chuyện nhân sự trước mùa giải V.League 2025-2026
Ngày /8 tới đây, V-League 2025/26 sẽ chính thức khởi tranh. Nhiều câu chuyện xoay quanh vấn đề nhân sự như đăng ký ngoại binh trong một mùa giải hay việc “phá” hợp đồng để chuyển sang câu lạc bộ khác lại tiếp tục được cộng đồng mạng tranh cãi, mổ xẻ.
Băn khoăn chuyện số lượng ngoại binh
Không ít CĐV kêu gọi V-League tăng suất ngoại binh và áp dụng việc sử dụng cầu thủ thuộc Đông Nam Á như cầu thủ nội.

"Thật ra V-League tăng suất Tây lên cũng không có vấn đề gì cả, có bắt các đội phải đăng kí đủ hết số ngoại binh đâu. CLB nào có tiền thì nuôi nhiều ngoại binh thôi. Kể cả các đội hạng Nhất cũng nên dùng ngoại binh, đội nào muốn lên hạng thì đầu tư Tây. Cầu thủ hạng Nhất khi được va đập với Tây nhiều cũng trưởng thành hơn.
Còn đội nào không muốn lên, tài chính thấp thì không sử dụng Tây thôi. Lúc đó, trận playoff mới thực sự hấp dẫn. Chứ cứ bắt bỏ Tây ra đá thì cũng không hay. Ngoại binh cũng là một phần của đội bóng mà", facebook Thiên Nhiên mong muốn tăng số lượng ngoại binh.
"Cho nhiều Tây thì đội nhiều tiền auto vô địch khiến giải đấu kém hấp dẫn, thu nhập của cầu thủ nội cũng sẽ giảm sút. Vì lương sẽ dồn hết cho ngoại binh, nội binh cũng ít có cơ hội ra sân hơn vì đội nào cũng một lượng lớn Tây. Chung quy lại với hiện trạng bóng đá Việt Nam hiện tại 3 Tây là hợp lý rồi", facebook Nguyễn Ngọc Sơn phản bác lại quan điểm tăng suất ngoại binh.
Tuy nhiên, cũng không ít khán giả kêu gọi giảm số lượng ngoại binh để các cầu thủ nội có cơ hội thi đấu, cọ xát tại giải bóng đá cao nhất trong nước. "Đăng ký ít cầu thủ Tây thôi, cầu thủ nội mới có đường kiếm sống. Theo nghiệp quần đùi áo số cứ ngụp lặn dự bị, đá hạng Nhất mãi thì còn ai muốn theo nữa. Muốn ĐTQG phát triển thì cần tầm nhìn xa hơn, phát triển cầu thủ nội. Đổ tiền nhiều, tư duy ngắn hạn cứ nhìn vào giải VĐQG Trung Quốc thời gian trước", facebook Quang Hau Tran mong V-League sử dụng ít ngoại binh.
"Việt Nam nên đăng ký 5, thi đấu 3, cho khớp với quy định ngoại của ASEAN Club Championship. Như vậy cả 5 ngoại binh có cơ hội thi đấu cả năm", facebook Nguyễn Phi Công cho rằng V-League nên cho đăng ký 5 ngoại binh.
"Ngoại binh suất như vậy là được rồi. Nên đăng ký thêm + 1 ngoại binh châu Á hoặc Đông Nam Á. Nếu được tăng suất Đông Nam Á thì giải đấu cũng tăng độ nhận diện", facebook Nguyễn Hoàng Anh Huy mong cầu thủ Đông Nam Á có thể được tạo điều kiện thi đấu tại Việt Nam.
Chuyện “phá” hợp đồng chuyển nhượng
Mới đây, nhiều nguồn tin cho biết cầu thủ Đức Chiến đã quyết định rời Thể Công Viettel trong mùa tới. Động thái này xảy ra trong bối cảnh hợp đồng giữa hai bên vẫn còn hiệu lực đến ngày /8/2025, trong khi kỳ chuyển nhượng quốc nội sẽ khép lại vào ngày /8.
Để kịp đầu quân và ra sân ở lượt đi cùng đội bóng mới, cầu thủ sinh năm 1998 chấp nhận đền bù sớm, mức phí được chốt là 3 tỉ đồng, sau quá trình thương lượng căng thẳng. Ở tuổi 27, thời điểm “chín” nhất của sự nghiệp, Đức Chiến cần một môi trường mới để thử thách bản thân, đặc biệt khi đã không đạt được thỏa thuận gia hạn với đội bóng cũ.
Là một trong những CLB có hệ thống đào tạo bài bản, Thể Công Viettel đã đầu tư rất lớn vào các lò trẻ, rèn giũa những cầu thủ như Đức Chiến từ thuở còn vô danh. Nhưng khi cầu thủ thành danh, họ lại trở thành “món hàng” được các CLB khác tranh giành bằng những khoản lót tay bạc tỉ, thứ mà nhiều đội bóng đào tạo trẻ không thể (hoặc không muốn) đua theo.
Câu chuyện của Đức Chiến lại cho người hâm mộ thấy một khía cạnh khác đó là phản ánh đúng thực trạng của thị trường cầu thủ Việt Nam: Khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống đào tạo chưa đủ dày, sự thiếu ổn định trong quản trị CLB và đặc biệt là thiếu vắng một cơ chế quản lý chuyển nhượng bài bản, chuyên nghiệp. Chính điều đó khiến những cầu thủ có tên tuổi dễ trở thành “hàng hiếm” và được gắn với những mức giá không phản ánh đúng giá trị cống hiến.
Chuyện số lượng ngoại binh, chuyện cầu thủ chất lượng đến và đi sẽ vẫn còn đó như một phần của bóng đá hiện đại. Cho dù thế nào thì với người hâm mộ việc được chứng kiến các cầu thủ cống hiến hết mình cho bóng đá đẹp mới là thứ quan trọng nhất.