Tín dụng chính sách xã hội trơn tru, bon bon sau sáp nhập
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thị Phương cho biết, sau khi thực hiện sắp xếp địa giới hành chính và chỉ đạo “ngay và luôn” của Tổng Giám đốc NHCSXH, chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn vẫn giữ nguyên 10 Phòng giao dịch tại các huyện cũ và tiếp tục duy trì mạng lưới hoạt động như trước đây. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng các giải pháp đảm bảo hoạt động giao dịch không bị gián đoạn, xáo trộn, mọi hoạt động vẫn trơn tru, bon bon, nhằm phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

Giám đốc Nguyễn Thị Phương cho biết thêm, trước tiên, chi nhánh tỉnh Lạng Sơn tiếp tục duy trì ổn định 194 điểm giao dịch xã như trước đây. Mạng lưới điểm giao dịch và lịch giao dịch được giữ nguyên như trước khi sắp xếp đơn vị hành chính. Theo đó, chúng tôi ưu tiên bố trí nơi giao dịch tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn cũ (trước khi sáp nhập). Trường hợp không thể bố trí tại UBND xã cũ thì bố trí tại nhà văn hóa, đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi đến giao dịch, tránh việc phải đi xa hay thay đổi thói quen sinh hoạt tài chính.
NHCSXH có hoạt động đặc thù là tập trung phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với mạng lưới giao dịch rộng khắp tại các xã trên toàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Từ ngày 1/7, thực hiện kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Lạng Sơn có 65 xã, phường trực thuộc tỉnh.
Để nguồn vốn tín dụng chính sách không bị gián đoạn, chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan về một số nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách sau khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.
Nói về thực hiện sáp nhập, đơn vị thực hiện triển khai cho vay tại 5 xã với dư nợ 393 tỷ đồng cho 5.016 hộ vay, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Văn Lãng Lý Thế Công cho biết, để đảm bảo quyền lợi và thuận tiện cho người dân khi tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi, đơn vị tiếp tục duy trì 17/17 điểm giao dịch tại các xã như trước đây. Đồng thời đơn vị cũng duy trì hoạt động của 176 Tổ tiết kiệm và vay vốn; thông tin địa chỉ của người dân cũng được ngân hàng tự động cập nhật theo địa bàn xã mới, người dân không cần khai báo lại hay thực hiện bất kỳ thủ tục bổ sung nào.
Cùng với các đơn vị khác trong chi nhánh, hiện nay, các Phòng giao dịch NHCSXH đều chủ động xây dựng kế hoạch vận hành phù hợp với tình hình từng địa phương, đảm bảo các hoạt động giải ngân, thu nợ, thu lãi... diễn ra thông suốt. Bên cạnh đó, để người dân nắm bắt kịp thời, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các Phòng giao dịch phối hợp ngay và chặt chẽ với UBND các xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thông báo về địa điểm giao dịch, lịch giao dịch cố định, thời gian giao dịch, danh sách các thôn thuộc điểm giao dịch để ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, khách hàng nắm bắt và đến giao dịch. Đặc biệt, các Phòng giao dịch phối hợp với UBND xã mới tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc xác nhận hồ sơ vay vốn, thủ tục ủy quyền đảm bảo không phát sinh vướng mắc về thủ tục hành chính.
Chủ tịch UBND xã Khánh Khê, tỉnh Lạng Sơn, Triệu Đức Dũng thông tin, xã Khánh Khê được hợp nhất trên cơ sở 3 xã Xuân Long, Bình Trung thuộc huyện Cao Lộc (cũ) và xã Khánh Khê, huyện Văn Quan (cũ). Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay của xã là gần 90 tỷ đồng, với trên 1.000 hộ vay. Để giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chúng tôi tạo điều kiện, bố trí địa điểm cho Phòng giao dịch NHCSXH Văn Quan đặt lịch giao dịch cố định tại trụ sở các xã Bình Trung, Xuân Long (cũ) và xã Khánh Khê. Tại điểm giao dịch, chúng tôi bố trí không gian để làm việc và niêm yết các biển hiệu công khai tuyên truyền về tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, UBND xã cũng phối hợp chặt chẽ với Công an xã thực hiện phương án bảo vệ tại điểm giao dịch của NHCSXH nhằm đảm bảo an toàn về con người, tài sản trong thời gian giao dịch.
Với việc duy trì mạng lưới giao dịch như trước khi sáp nhập đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh không phải đi xa, tạo sự ổn định và yên tâm trong tiếp cận vốn vay. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay của chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn là trên 5.400 tỷ đồng, với hơn 90.400 hộ vay, dư nợ bình quân mỗi xã sau khi sáp nhập là 84 tỷ đồng/xã.
Bà Đinh Thị Hiếu ở thôn 6, xã Kháng Chiến cho biết: Gia đình tôi vay vốn tại NHCSXH Tràng Định từ năm 2022 để đầu tư trồng, chăm sóc rừng. Từ ngày 1/7, xã Kháng Chiến sáp nhập với các xã Trung Thành, Tân Minh (cũ), trụ sở UBND xã đặt tại xã Trung Thành (cũ), cách nhà tôi hơn 20km. Sau khi sáp nhập xã, Phòng giao dịch NHCSXH Tràng Định vẫn tiếp tục thực hiện các giao dịch tại điểm giao dịch xã cũ nên tôi thấy rất yên tâm, thuận tiện vì không phải đi xa.
Sáp nhập đơn vị hành chính là quá trình tất yếu trong tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước. Những giải pháp kịp thời, hiệu quả của chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn nói riêng, hệ thống NHCSXH nói chung sẽ đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách được duy trì liên tục, ổn định. Thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức tập huấn cho Chủ tịch UBND xã và cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo đội ngũ tại địa phương nắm vững nghiệp vụ, quy trình tín dụng chính sách. Qua đó, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách một cách thuận lợi nhất để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, sẵn sàng tâm thế vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Bắt đầu từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp xã) chính thức đi vào hoạt động. Để hoạt động tín dụng chính sách được duy trì ổn định, liên tục, phát huy hiệu quả trong giai đoạn mới, với phương châm phục vụ “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, hệ thống NHCSXH trong cả nước tiếp tục duy trì phương thức hoạt động, giữ nguyên các điểm giao dịch xã cũ và các Tổ tiết kiệm và vay vốn, không làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn của người dân.