Bách khoa Đà Nẵng: 50 năm một hành trình tri thức và khát vọng vươn tầm
50 năm kiên cường bứt phá từ gian khó, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng bước vào chặng đường mới với tâm thế của một trung tâm đào tạo kỹ thuật hàng đầu, nơi tri thức kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo lan tỏa từ giảng đường đến cộng đồng.

Sáng 5/7, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Trường. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, từ những ngày đầu thành lập trong gian khó, Trường đã từng bước vươn mình mạnh mẽ trở thành một trong những cơ sở đào tạo kỹ thuật trọng điểm hàng đầu cả nước, khẳng định vị thế vững chắc trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Cùng với lễ kỷ niệm là sự kiện khánh thành Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia dùng chung Cơ điện tử và Ứng dụng – một không gian sáng tạo hứa hẹn tạo bước ngoặt mới về chất lượng đào tạo, nghiên cứu và kết nối doanh nghiệp – xã hội.

Tiền thân là Viện Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa được thành lập ngay sau ngày đất nước thống nhất vào năm 1975- một thời điểm lịch sử, đầy khát vọng dựng xây trong muôn vàn thiếu thốn. 329 sinh viên đầu tiên, 4 khoa cơ bản, điều kiện cơ sở vật chất gần như khởi điểm từ con số 0.
Nhưng cũng từ nền móng ấy, cùng tinh thần vượt khó và khát vọng tri thức cháy bỏng của các thế hệ cán bộ – giảng viên – sinh viên, nhà trường đã bền bỉ vươn lên, trải qua nhiều giai đoạn đổi mới để khẳng định vai trò trung tâm đào tạo – nghiên cứu – chuyển giao công nghệ của khu vực và cả nước.
Sau 50 năm, Trường đã phát triển thành một đại học kỹ thuật quy mô lớn với 14 khoa chuyên môn, 9 đơn vị chức năng, 11 trung tâm nghiên cứu – đào tạo, cùng 16 ngành tiến sĩ, 18 ngành thạc sĩ và 41 ngành/chuyên ngành bậc đại học.
Tổng quy mô đào tạo gần 18.000 sinh viên, học viên. Đội ngũ nhà trường có 546 cán bộ, trong đó 407 giảng viên, với tỷ lệ 74,4% giảng viên lý thuyết có học vị tiến sĩ – một trong những tỷ lệ cao nhất cả nước. Chất lượng đào tạo được minh chứng rõ rệt qua tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 97%, cho thấy năng lực đáp ứng thực tiễn cao của đội ngũ kỹ sư trưởng thành từ Bách khoa Đà Nẵng.

Đặc biệt trong 5 năm gần đây, nhà trường đã thể hiện rõ tinh thần tiên phong bằng việc phát triển 11 chương trình đại học mới thuộc các lĩnh vực hiện đại như Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật ô tô, Cơ khí hàng không, Công nghệ sinh học Y dược, Vi điện tử – Thiết kế vi mạch, Kỹ thuật và Quản lý xây dựng đô thị thông minh, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Quản lý năng lượng, Mô hình thông tin trong xây dựng…
Đồng thời, Trường mở mới 1 chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý công nghiệp và 1 chương trình tiến sĩ ngành Quản lý xây dựng, đáp ứng xu thế học tập suốt đời và yêu cầu nhân lực chất lượng cao ở mọi cấp độ.
Cùng với đổi mới chương trình, công tác kiểm định chất lượng giáo dục luôn được nhà trường xác định là tiêu chuẩn bắt buộc trong tiến trình hội nhập. Trường đạt chuẩn chất lượng quốc tế HCERES (chu kỳ 2), có 26 chương trình đại học được kiểm định quốc tế bởi các tổ chức danh tiếng như CTI (3 chương trình), ASIIN (11 chương trình) và AUN-QA (12 chương trình).
Bên cạnh đó, 4 chương trình thạc sĩ cũng được kiểm định bởi ASIIN – khẳng định năng lực đào tạo ở bậc cao của nhà trường. Hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ được thiết lập bài bản và vận hành hiệu quả, tạo nền tảng bền vững cho mọi hoạt động học thuật và quản trị.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá cao nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể nhà trường trong 50 năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi giáo dục số và hội nhập quốc tế hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, từ những ngày đầu còn nhiều khó khăn, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã không ngừng vươn lên, khẳng định vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu kỹ thuật – công nghệ hàng đầu. Các thế hệ sinh viên tốt nghiệp từ mái trường này không chỉ có kiến thức vững vàng, kỹ năng thực hành tốt mà còn được đánh giá cao bởi tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng cao trong môi trường hiện đại.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, giáo dục đại học không chỉ là nơi đào tạo nhân lực, mà còn phải là trung tâm đổi mới sáng tạo, kiến tạo tri thức mới và giải pháp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tin tưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có đầy đủ tiềm lực và khát vọng để vươn xa hơn nữa, trở thành mô hình đại học công nghệ thế hệ mới, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cộng đồng và vùng phát triển.
“Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường. Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng tôi tin với truyền thống và nội lực sẵn có, nhà trường sẽ tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nói thêm.
Xuyên suốt hành trình phát triển, hợp tác quốc tế và quan hệ doanh nghiệp luôn là hai trụ cột chiến lược được nhà trường chú trọng. Trường hiện có quan hệ hợp tác với hơn 100 đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, đồng thời triển khai nhiều chương trình liên kết đào tạo với các đối tác như Mỹ, Pháp, Nhật Bản…
Thông qua các dự án lớn như Erasmus+, DAAD, JICA, AUF, mỗi năm có hàng trăm lượt trao đổi học giả, giảng viên và sinh viên được tổ chức, góp phần nâng cao năng lực hội nhập toàn diện. Về phía doanh nghiệp, nhà trường có sự phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn hàng đầu như Fujikin, LG, ABB, Mitsubishi, EVN, Viettel, Thaco… trong đào tạo, thực tập, chuyển giao công nghệ và tổ chức các đồ án Capstone.

Cũng trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, Trường tổ chức khánh thành Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia dùng chung Cơ điện tử và Ứng dụng – một dự án trọng điểm được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tại Quyết định số 884/QĐ-BGDĐT ngày 21/3/20.
Với tổng mức đầu tư lên đến 40 tỷ đồng, dự án nhằm mục tiêu tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Cơ điện tử – lĩnh vực then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dự án được triển khai từ năm 2023 đến 2025, gồm các hạng mục đầu tư mua sắm, lắp đặt đồng bộ thiết bị thí nghiệm, cải tạo cơ sở vật chất.

Hệ thống các phòng thí nghiệm chuyên ngành như PTN Robotics, PTN IoTs, PTN Vật liệu – Khuôn mẫu – Thiết kế mô phỏng sẽ chính thức đi vào phục vụ từ năm học 2025–2026, không chỉ dành riêng cho sinh viên Trường mà còn mở ra cơ chế dùng chung với doanh nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu Trưởng Trường Đại học Bách khoa xúc động chia sẻ: “Chúng tôi quyết tâm kiến tạo một hệ sinh thái giáo dục mở, linh hoạt và năng động, nơi tri thức gắn kết chặt chẽ với thực tiễn sản xuất doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Trường Đại học Bách khoa – ĐH Đà Nẵng không ngừng nỗ lực để đào tạo những thế hệ kỹ sư có năng lực cạnh tranh toàn cầu, giàu bản lĩnh, trách nhiệm và khát vọng cống hiến. Đó là cam kết, là lý tưởng mà nhà trường theo đuổi trong suốt hành trình phát triển”.


Tại buổi lễ, Trường đã tổ chức khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đồng thời gửi lời tri ân sâu sắc đến các thế hệ giảng viên, cựu sinh viên đã góp phần tạo nên một Bách khoa Đà Nẵng kiên cường, năng động, nhân văn và hội nhập như hôm nay.
Nửa thế kỷ qua là một hành trình đáng tự hào. Nhưng điều đáng quý hơn cả là khát vọng không dừng lại. Hành trình 50 năm ấy giờ đây được nối dài bằng những giấc mơ lớn hơn, bằng tinh thần sáng tạo và hội nhập, bằng ý chí kiến tạo một đại học kỹ thuật hiện đại, đậm đà bản sắc, gắn bó sâu sắc với cộng đồng và phụng sự đất nước bằng tri thức, khoa học và trách nhiệm.