Nhiều điểm sáng ở các xã vùng biên Tây Ninh khi vận hành bộ máy mới
Vượt qua những khó khăn ban đầu, với tinh thần “Làm hết việc chứ không hết giờ”, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, các xã biên giới Tây Ninh luôn đặt lợi ích của người dân lên đầu. Nhờ vậy, sau hơn 2 tuần vận hành, bộ máy mới đã đi vào quy củ, xuất hiện nhiều điểm sáng.
Khoảng vài tuần trở lại đây, khi trụ sở các phường, xã ở Tây Ninh "khoác áo mới" và bắt đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đội ngũ cán bộ, công chức nơi đây như được tiếp thêm nguồn sức mạnh để bước vào “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc.
Từ ngày vận hành bộ máy mới đến nay, phương châm các xã vùng biên đặt ra là “Làm hết việc chứ không hết giờ”, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”. Nhiều hôm dù trời đã tối nhưng trụ sở các xã vẫn sáng đèn, rồi những buổi trưa, thay vì nghỉ ngơi, cán bộ, công chức cùng nhau thảo luận các văn bản mới để kịp thời nắm bắt, phục vụ người dân tốt nhất.

Quyền lợi của người dân là ưu tiên hàng đầu
Một buổi chiều trung tuần tháng 7, giống như những người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công UBND xã Phước Chỉ, tỉnh Tây Ninh, chúng tôi được lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ nhiệt tình.
“Dạ chị đến làm thủ tục gì ạ? Chị cần chúng em hỗ trợ gì không ạ?... những câu nói ân cần vang lên ở bàn hướng dẫn. Theo quan sát của chúng tôi, mỗi người dân đến đây đều được hỗ trợ tận tình đến khi hoàn thành thủ tục.
Bên trong Trung tâm Phục vụ hành chính công, một không khí làm việc diễn ra hết sức khẩn trương, sôi nổi, đội ngũ cán bộ, công chức mỗi người một việc, đảm bảo phục vụ người dân một cách nhanh chóng, tiện lợi nhất.

Ông Bùi Tiến Thành - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ, tỉnh Tây Ninh cho biết, sau hơn 2 tuần, bộ máy mới đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, phục vụ tốt cho người dân, thể hiện tính đúng đắn về chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chính quyền hai cấp.
Ông Thành nhấn mạnh, việc vận hành chính quyền hai cấp là “bước tiến nổi bật”. “Trước đây có tình trạng đùn đẩy việc giữa các cấp nhưng giờ các địa phương đều thực hiện theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, việc gì vượt quá thẩm quyền, xã chủ động liên hệ lên trên để giải quyết cho người dân”, ông Thành nói.
Hiện tại, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Phước Chỉ được ưu tiên tối đa nguồn lực để làm việc. “Chúng tôi đặt mục tiêu khi người dân bước vào Trung tâm hành chính công sẽ được hưởng những gì tốt nhất. Ví dụ, cả xã có 10, máy tính bàn thì sẽ ưu tiên trung tâm hành chính phần lớn, đồng thời bố trí wifi, cử lực lượng tình nguyện hỗ trợ người dân, nhờ đó người dân rất hài lòng”, ông Thành nói.

Đặc biệt, xã còn trang bị máy tính để người dân truy cập, tìm hiểu về các văn bản mới.
Theo thống kê của sơ bộ, sau khoảng 2 tuần vận hành, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Phước Chỉ tiếp nhận 655 hồ sơ liên quan đến các lĩnh vực xây dựng, công thương, tài chính, nông nghiệp môi trường, qua đó đã xử lý 649 hồ sơ, còn 6 hồ sơ đang trong giải quyết, đây là tỷ lệ rất tích cực, đáng ghi nhận.
Ông Thành cho biết thêm, nhân sự xã hiện tại đa phần được điều động từ tỉnh về, số khác ở thị xã, các xã cũ chuyển qua, nhưng nhìn chung mọi người đều bám sát địa bàn, phát huy tính năng động để thực sự “gần dân, sát dân”.

Không chỉ ở xã Phước Chỉ mà nhiều xã vùng biên giới Tây Ninh cũng chủ động khắc phục khó khăn để bộ máy mới vận hành một cách trơn tru, hiệu quả.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, người dân đến làm thủ tục đều ra về với tâm trạng vui vẻ vì được đội ngũ cán bộ, công chức hỗ trợ nhiệt tình.
Ông Trịnh Văn Đồng – Phó Chủ tịch UBND xã Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh cho biết, sau hơn 2 tuần, bộ máy chính quyền xã mới đã vận hành đồng bộ, các công việc đảm bảo tiến độ, bám sát hướng dẫn của tỉnh, Trung ương. Cơ sở vật chất và nhân lực cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Trong đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã vận hành thông suốt, đến nay đã tiếp nhận và giải quyết 1.056 hồ sơ thủ tục hành chính, đảm bảo đúng thời gian quy định (trong đó, số thủ tục hành chính giải quyết trong ngày là 806 hồ sơ, chuyển đến phòng chuyên môn giải quyết là 250 hồ sơ).
Ông Đồng chia sẻ thêm, từ khi có bộ máy mới, các cuộc họp của UBND, HĐND, Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được tổ chức bài bản, xây dựng chi tiết phương án, nội dung, phân công trách nhiệm rõ ràng.

Nói về những thay đổi trong công tác hành chính công sau khi áp dụng mô hình hai cấp ở xã biên giới, Phó Chủ tịch UBND xã Bến Cầu nhận định, bộ máy mới đã tinh gọn, nâng cao hiệu quả quản lý. Điều này thể hiện ở việc rút ngắn quy trình xử lý công việc, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; tăng tính thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, phân quyền. Cấp xã được ủy quyền nhiều hơn trong các lĩnh vực như hộ tịch, cư trú, xây dựng, cấp phép kinh doanh hộ kinh doanh cá thể... Từ đó, nâng cao trách nhiệm và vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong phục vụ người dân.
Mặt khác, chính quyền địa phương hai cấp đã ứng dụng công nghệ số, hiện đại hóa hành chính phục vụ người dân. Điển hình là việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai hệ thống phần mềm liên thông, kết nối dữ liệu từ tỉnh đến cơ sở.

Chủ động khắc phục mọi khó khăn
Với đặc thù xã biên giới, xa cách về vị trí địa lý, trình độ dân trí của người dân chưa cao, đội ngũ cán bộ, công chức ít nhiều gặp khó khăn trong việc vận hành bộ máy mới. Tuy nhiên, các địa phương luôn chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao phó.
Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ Bùi Tiến Thành cho biết, số lượng công chức của xã hiện tại còn thiếu so với nguồn do HĐND – UBND giao, tuy nhiên để tránh tình trạng “thiếu người, thừa việc”, xã đã linh hoạt phân công những người hoạt động không chuyên trách phụ thêm công việc của các bộ phận liên quan, từ đó góp phần giảm tải được khối lượng lớn công việc.
Cũng theo ông Thành, trong bối cảnh mới sáp nhập, để tiếp cận với những quy trình, nghị định, thông tư mới, đội ngũ cán bộ, công chức phải căng mình nghiên cứu, lúc nào cũng trên tinh thần cố gắng hết sức, dù không tránh khỏi những lúng túng, thiếu sót.

“Ở xã Phước Chỉ có nhiều cán bộ ở xa, mỗi ngày đi làm phải lặn lội mấy chục km đến trụ sở. Anh em chúng tôi ngoài giờ làm cũng thường xuyên trao đổi công việc, động viên nhau. Vừa qua, chúng tôi đã cùng nhau làm bếp ăn chung rồi mượn tạm trụ sở Ban Chỉ huy quân sự cũ để làm chỗ nghỉ ngơi buổi trưa, nói chung khó khăn đến đâu chúng tôi khắc phục đến đó”, ông Thành nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Bến Cầu Trịnh Văn Đồng thẳng thắn nhìn nhận, khó khăn trong thời gian đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp nói chung và tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã là không thể tránh khỏi.
Theo ông Đồng, dù đã sẵn sàng tinh thần, chủ động chuẩn bị về các điều kiện để đảm bảo cho Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động, tuy nhiên cơ sở, vật chất, trang thiết bị, nhân lực vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu công việc.

Mặt khác, quy trình, thủ tục một số lĩnh vực vẫn còn vướng; hệ thống phần mềm của một số lĩnh vực chưa được tích hợp... Trong khi đó, số lượng người dân đến giao dịch, giải quyết tại Trung tâm mỗi ngày rất nhiều.
Điển hình như Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Bến Cầu tiếp nhận từ 100-200 lượt người/ngày đến làm các thủ tục.
Để bộ máy tiếp tục vận hành thông suốt, hiệu quả, các xã vùng biên kiến nghị cần tăng cường các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức, đồng thời tiếp tục đầu tư trang thiết bị ở Trung tâm Phục vụ hành chính công để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà tình hình an ninh trật tự của các xã vùng biên luôn duy trì ổn định, không xảy ra các vụ việc bất ổn trong thời gian đầu sáp nhập bộ máy. Từ đó, nhân dân đặt nhiều lòng tin vào chính quyền và yên tâm làm kinh tế, góp phần phát triển cho địa phương.