Môi trường

Các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó bão Wipha

Khôi Anh 18/07/2025 17:04

Chiều 18/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì cuộc họp thông tin và triển khai phương án ứng phó bão Wipha.

Kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền chủ động tránh, trú bão Wipha

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, cho biết, tính đến 11h ngày 18/7/2025, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 35.183 phương tiện/147.336 lao động, trong đó 790 phương tiện/4.160 lao động đang hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.

"Hiện không có phương tiện hoạt động tại phía Đông Bắc khu vực Bắc biển Đông (khu vực ảnh hưởng của bão)", ông Sơn cho hay.

Tổng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa là 126.583 ha (52.854 ha nuôi tôm nước lợ, 21.587 ha nuôi nhuyễn thể, 53.083 ha nuôi thủy sản nước ngọt); 19.099 lồng bè; 3.693 chòi canh nuôi trồng thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ.

Về tình hình hồ chứa, ở hồ Hòa Bình, mực nước thượng lưu hồ lúc 13h ngày 18/7 là 102,94m; hiện đang mở 3 cửa xả đáy để đưa về cao trình 101m (mực nước cao nhất trước lũ thời kỳ lũ chính vụ từ ngày 20/7 đến ngày 21/8).

Hồ Tuyên Quang có mực nước thượng lưu hồ lúc 13h ngày 18/7 là 104,98m; hiện đang mở 1 cửa xả đáy (sẽ đóng vào h ngày 18/7). Các hồ Sơn La, Thác Bà đang thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ.

Về hồ chứa thủy lợi, tổng có 2.543 hồ (325 hồ lớn, 525 hồ vừa, 1.693 hồ nhỏ); lượng nước trữ trong các hồ trung bình đạt khoảng từ 55% - 84% dung tích thiết kế.

Hiện có 47 hồ đang sửa chữa, nâng cấp (Tuyên Quang 16, Điện Biên 3, Lào Cai 4, Thái Nguyên 11, Lạng Sơn 3, Phú Thọ 6, Bắc Ninh 2, Ninh Bình 2) và 5 hồ xây dựng mới (Cao Bằng 3, Lai Châu 1, Tuyên Quang 1).

Hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa còn tồn tại 20 trọng điểm đê điều xung yếu (Quảng Ninh 02, Hải Phòng 8, Hưng Yên 6, Ninh Bình 4) và 7 công trình đang thi công (Hải Phòng 2, Hưng Yên 1, Ninh Bình 3, Thanh Hóa 1).

baowipha(1).jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì cuộc họp ứng phó bão Wipha vào chiều 18/7

Các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó bão Wipha

Trong khi đó, để chủ động phòng chống bão Wipha, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công điện số 4498/CĐ-BNNMT ngày 17/7/2025 gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đăk Lắk và các Bộ ngành đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.

Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đã có Công điện số 19/CĐ-CHCN ngày 17/7/2025 chỉ đạo các lực lượng quân đội sẵn sàng ứng phó với bão.

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã có công hàm gửi các nước trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho tàu thuyền vào tránh trú và hỗ trợ khi có tai nạn, sự cố.

Các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đăk Lắk chủ động triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ theo công điện của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tăng cường công tác trực ban /h; tham mưu chỉ đạo ứng phó với ATND, bão; tổ chức gửi tin nhắn Zalo cảnh báo về ANTĐ, bão và hướng dẫn kỹ năng an toàn cho tàu thuyền trên biển và ứng phó với mưa lũ đến 35 triệu người dùng khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đăk Lăk.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, nhiều đợt mưa lớn diện rộng gây ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân khu vực Bắc Bộ.

“Một số sự cố đê điều nghiêm trọng đã xảy ra; các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đang ở mức cao và hiện nay phải vận hành mở cửa xả để đưa dần về mực nước đón lũ theo quy định. Do đó, các Bộ ngành, địa phương không được phép chủ quan trước diễn biến của bão Wipha…”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các cơ quan thuộc Bộ, nhất là cơ quan khí tượng thủy văn và các địa phương ở khu vực Bắc Bộ và ven biển Quảng Ninh - Đắk Lắk tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.

Tăng cường thông tin về diễn biến của bão, mưa lũ đến các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó. Quản lý, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn và sẵn sàng vận hành điều tiết hồ chứa và đảm bảo an toàn hạ du, nhất là các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị các địa phương chủ động rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; chính quyền cấp xã chỉ đạo lực lượng liên quan thông báo tới từng hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.

Khi Anh