Thủ khoa trường làng và nỗi lo gác lại giấc mơ
Với số điểm ấn tượng 29,25 khối C00, Nguyễn Thị Hải Yến – học sinh Trường THPT Nam Đàn 1 (Nghệ An) – đã xuất sắc trở thành thủ khoa của trường. Phía sau thành tích ấy là một hành trình bền bỉ, lặng lẽ vun đắp ước mơ bằng niềm tin, nghị lực và khát khao tri thức.
Từ điểm 10 đến cánh cổng giảng đường
Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, trong khi bạn bè còn đang háo hức chờ điểm thi, Yến đã khăn gói ra khu công nghiệp Vsip (Hưng Nguyên, Nghệ An) làm công nhân. Mục tiêu giản dị: dành dụm mua một chiếc máy tính phục vụ việc học nếu có cơ hội bước chân vào đại học.
Nguyễn Thị Hải Yến, sinh năm 2007, là học sinh lớp 12D2 Trường THPT Nam Đàn 1. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em đạt 29,25 điểm khối C00, trong đó Ngữ văn: 9,25; Địa lý: 10; Lịch sử: 10.

Thành tích ấy đưa Yến trở thành thủ khoa của trường – một cột mốc đáng tự hào trong hành trình học tập. Thế nhưng, phía sau nụ cười là những nỗi lo lắng của Yến: “Em luôn tin rằng, học tập là con đường ngắn nhất để chạm tới ước mơ. Nhưng đứng trước ngưỡng cửa đại học, em lại thấy lòng mình chất chứa nhiều suy nghĩ khó diễn tả”.
Bố rời bỏ gia đình khi Yến còn nhỏ. Mẹ em, bà Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1973), trở thành chỗ dựa duy nhất, nhưng bà lại bị lãng tai, sống lặng lẽ và vất vả mưu sinh với vài sào ruộng cùng những công việc làm thuê theo mùa.
Hai mẹ con sống trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, dựng lên từ sự hỗ trợ của người thân bên ngoại. Căn nhà trống trơn, không có tài sản gì đáng giá ngoài con bò được Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo và vài bao lúa mới thu hoạch.
Yến tranh thủ phụ mẹ từ khi còn bé: chăn bò, làm đồng, gặt lúa thuê, ai thuê gì làm nấy. Thế nhưng, em chưa bao giờ bỏ bê chuyện học hành.
Không có điều kiện học thêm, Yến tự học, tận dụng tối đa thời gian trên lớp, chăm chỉ tìm kiếm bài giảng, tài liệu trên mạng để củng cố kiến thức. Chính nhờ nền tảng bền bỉ ấy, Yến mới có thể đạt điểm tuyệt đối ở các môn xã hội.
.jpg)
“Môn Văn là môn em yêu thích nhưng em không nghĩ mình đạt đến 9,25 điểm vì đề hơi khó. Ra khỏi phòng thi, em chỉ dám nghĩ mình được 8 điểm. Không ngờ kết quả lại tốt đến thế”, nữ sinh kể lại với nụ cười hiền.
Cần lắm những điểm tựa
Mỗi khi nhắc đến con gái, bà Thắm chỉ biết rơi nước mắt. Một phần vì tự hào, phần vì tủi thân. “Biết tin con đạt điểm cao, tôi vui mà lo. Nhà chẳng có gì, con đi học, tôi biết lấy đâu ra tiền cho nó ăn học?”, người mẹ nghèo nghẹn lời.
Yến mơ ước được trở thành giáo viên dạy Ngữ văn, không chỉ vì đam mê mà còn vì mong muốn truyền cảm hứng và sẻ chia với những em nhỏ có hoàn cảnh giống mình. Em dự định đăng ký ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Vinh, phần vì đam mê, phần vì học ở gần nhà và có thể được miễn học phí.
“Em không muốn bỏ cuộc. Em muốn học tiếp, không chỉ để thoát nghèo, mà còn để giúp những người giống như mẹ em, những người sống thầm lặng và hy sinh cả đời vì con”, Yến nói.
Cô Lê Thị Hồng Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D2, nhận xét: “Hải Yến là học sinh chăm ngoan, ít nói nhưng rất bản lĩnh. Em là tấm gương vượt khó thực sự.
Thành tích thủ khoa là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mỏi của em. Nhưng điều khiến chúng tôi trăn trở là liệu em có thể tiếp tục hành trình ấy trên giảng đường đại học hay không?”.
.jpg)
Đối với những học trò nghèo, cánh cổng đại học chưa bao giờ là một đích đến dễ dàng. Bởi lẽ, hành trang bước vào giảng đường không chỉ cần tri thức, mà còn đòi hỏi những điều kiện vật chất tối thiểu để nuôi dưỡng giấc mơ dài lâu ấy.
Với Nguyễn Thị Hải Yến – cô thủ khoa giàu nghị lực – lúc này, một suất học bổng, một sự chung tay của cộng đồng không chỉ là khoản tiền hỗ trợ đơn thuần. Đó có thể là phép màu, là điểm tựa để em không phải gấp lại ước mơ khi vừa chạm được tay.
Một bàn tay chìa ra đúng lúc có thể thay đổi cả số phận. Và biết đâu, từ sự sẻ chia hôm nay, một hành trình tri thức mới sẽ được mở ra cho cô gái nhỏ – hành trình của khát vọng, của nghị lực và của lòng biết ơn được viết tiếp bằng trái tim”.