Tòa án

Những đổi mới của Tòa án nhân dân đáp ứng tình hình mới của đất nước

21/07/2025 - 13:43

Nhiều cán bộ tư pháp hoạt động trong vùng địch hậu đã chịu đựng gian khổ, gắn bó sát cánh với nhân dân đấu tranh diệt tề trừ gian, được nhân dân thương yêu, tin tưởng, chở che và đùm bọc.

bai-4-6-.jpg

Chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, mốc son sáng chói của lịch sử dân tộc, non sông đất nước đã liền một dải. Sau cuộc tổng tuyển cử tháng 4/1976, nước ta thống nhất về mặt Nhà nước và lấy tên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong khi chưa có Hiến pháp mới, Quốc hội quyết định áp dụng Hiến pháp 1959 cho cả nước và giao cho Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất trong toàn quốc.

hienphap1959.jpg
Hiến pháp 1959

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 đã được áp dụng trong cả nước, các Tòa án nhân dân ở miền Nam nhanh chóng được thành lập. Từ miền Bắc, một số lớn cán bộ miền Nam tập kết trở về, nhiều cán bộ từ miền Bắc được chi viện, cùng với cán bộ địa phương đã trực tiếp chiến đấu ở miền Nam, hình thành nên đội ngũ và tổ chức Tòa án các cấp ở các tỉnh phía Nam.

Ngày /5/1976, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành sắc luật số 01/SL-76 quy định về Tổ chức Tòa án nhân dân và Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Tiếp đó, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra quyết định số 29-QĐ-76 ngày 27/5/1976 thành lập Tòa án nhân dân đặc biệt để xét xử các tên tư bản mại bản phạm tội lũng đoạn, đầu cơ tích trữ, phá rối thị trường, gây ảnh hưởng đến đời sống và lòng tin của nhân dân với chế độ xã hội mới.

Ngày 23/01/1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Quyết định số 181-NQ/QHK 6 giao cho Tòa án nhân dân đặc biệt xét xử những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về trật tự xã hội xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, như: Giết người, cướp của, tống tiền, bắt cóc, đốt nhà, tổ chức lưu manh trộm cắp, hiếp dâm, gây rối loạn trật tự xã hội.

bai-4-3-.jpg

Sau ngày đất nước thống nhất, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đã được xây dựng hệ thống từ trung ương đến huyện, thị xã, phù hợp với điều kiện và đặc thù của chế độ chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta trong giai đoạn này.

Các Tòa án binh trước chịu sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng thì nay được gọi là Tòa án Quân sự; các Tòa án Quân sự cũng như các Tòa án nhân dân địa phương đều đặt dưới sự hướng dẫn thống nhất và giám đốc công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao về áp dụng pháp luật và đường lối xét xử.

Trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, bảo đảm tối đa sự tham gia của nhân dân; cụ thể được thể hiện chế độ bầu cử các chức vụ Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp; thực hiện nguyên tắc xét xử của Tòa án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia và chiếm đa số trong thành phần Hội đồng xét xử. Tổ chức Tòa án nhân dân theo nguyên tắc kết hợp thẩm quyền xét xử với đơn vị hành chính lãnh thổ. Để chú trọng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, Tòa án nhân dân thực hiện chế độ hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm ...

Tại Hội nghị tổng kết công tác Tòa án năm 1979, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh:

Chúng ta đứng trước một vấn đề rất quan trọng, rất cấp bách, đó là tình trạng phạm tội phạm pháp đang rất nghiêm trọng và có chiều hướng phát triển. Tất cả chúng ta bất cứ làm việc ở đâu, làm việc gì đều phải có ý thức trách nhiệm, đối với việc ngăn ngừa cũng như đối với việc trấn áp tội phạm. Mọi người, mọi ngành có liên quan phải làm tốt trách nhiệm của mình, trước hết là các ngành Tòa án, Kiểm sát, Nội vụ.”

Những ngày đầu mới giải phóng, các cơ quan, tổ chức của chính quyền cách mạng ở miền Nam mới thành lập, trong giai đoạn xây dựng, củng cố, hoàn thiện, các thế lực phản động trong và ngoài nước (mà nòng cốt là tàn quân của quân đội Sài Gòn cũ) ra sức chống phá cách mạng, lập các tổ chức trái phép, lôi kéo các phần tử thù địch, bất mãn phá hoại cuộc sống mới ở miền Nam, âm mưu bạo loạn lật đổ chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lợi dụng tình hình chính trị những ngày đầu giải phóng chưa ổn định, Nguyễn Việt Hưng, nguyên là sĩ quan ngụy quân Sài Gòn, đã tập hợp các sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa không trình diện chính quyền cùng một số linh mục di cư thành lập tổ chức phản cách mạng “Dân quân phục quốc”, có trụ sở hoạt động đầu não là Nhà thờ Vinh Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tiến hành in và phát tán truyền đơn khắp các địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi lật đổ chính quyền, xây dựng đài phát thanh, in tiền giả, tổ chức các lực lượng vũ trang. Chỉ trong một thời gian ngắn, tổ chức này đã phát triển ở 17 tỉnh, thành phố phía Nam với hàng ngàn người nhẹ dạ, cả tin tham gia.

bai-4-4-.jpg

Từ ngày 13 đến 16/9/1976, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ án này với các tội danh: Âm mưu lật đổ Chính quyền nhân dân, phá hoại kinh tế, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng... và tuyên án tử hình Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Hữu Nghị và Nguyễn Xuân Hùng; các bị cáo khác bị phạt tù từ 3 năm đến chung thân.

Phiên tòa đã gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước, đập tan âm mưu phá hoại chế độ của các thế lực phản động, củng cố niềm tin của nhân dân vào chế độ mới, vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời điểm miền Nam mới giải phóng.

Tại Hội nghị tổng kết công tác của ngành Tòa án năm 1983, đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị đã nói: “Tòa án nhân dân là công cụ pháp luật của Nhà nước chuyên chính vô sản, của nhân dân lao động để đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội, cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới, có nhiệm vụ trấn áp và cưỡng chế bọn phản cách mạng, bọn cố ý chống đối lại đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bọn gây bạo loạn, gây rối trật tự xã hội; phải trừng trị nghiêm khắc bọn đầu cơ, buôn lậu, những phần tử thoái hóa, biến chất trong nội bộ thông đồng với gian thương làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa, đồng thời có nhiệm vụ giáo dục nhân dân tuân theo pháp luật và quy tắc trong sinh hoạt xã hội. Vì vậy, ngành Toà án nhân dân nắm vững những điểm cơ bản trên đây vận dụng sắc bén vào đường lối xét xử, phát huy tác dụng xét xử, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Những năm sau ngày đất nước thống nhất, tội phạm hình sự dưới dạng các băng cướp nổi lên, xâm phạm đến tính mạng, tài sản và cuộc sống yên bình của nhân dân, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ở các vùng mới giải phóng.

Vào dịp Tết Nguyên đán năm 1977, một tổ chức phản động tự xưng danh là “Sư đoàn 5 Thanh Long”, với hàng trăm tên, được trang bị vũ khí nguy hiểm đã lên kế hoạch âm mưu gây bạo loạn ở An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã mở phiên tòa công khai xét xử vụ án này với hàng trăm bị cáo, tuyên nhiều án tử hình và chung thân. Tiếp đó, đã xét xử 16 tên trong cái gọi là “Mặt trận Liên tôn chống cộng” do Nguyễn Long Châu và Trần Minh cầm đầu tổ chức…

Bản án của Tòa án nhân dân đã trừng trị nghiêm khắc hành vi bạo loạn với âm mưu chống phá, lật đổ chính quyền nhân dân, góp phần ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố chính quyền cách mạng và niềm tin của người dân vào chính quyền, vào chế độ xã hội mới ở các tỉnh phía Nam.

Tháng 4/1977, Hội nghị toàn quốc đầu tiên của hệ thống Tòa án nhân dân đã xác định đúng đắn nội dung cụ thể, nhiệm vụ chính trị của các Tòa án trong giai đoạn mới, đề ra những biện pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đó.

Đặc biệt, các Tòa án đã tăng cường xét xử lưu động tại nơi xảy ra hành vi phạm tội, xác định và xét xử các vụ án điển hình, những vụ án phản cách mạng, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, những vụ án xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự trị an hoặc những vụ án xâm phạm đến tài sản xã hội chủ nghĩa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Những thay đổi để phù hợp với tình hình cách mạng của giai đoạn này đã giúp các Tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và có những hoạt động phù hợp, đấu tranh phòng chống tội phạm với hiệu quả cao, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng Việt Nam.

Trình bày: Lâm Thanh - Nhật Minh - Thanh Trà