Chính trị

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận, đánh giá cao công lao, đóng góp của ngành Kiểm sát nhân dân

Mạnh Hùng 21/07/2025 - :57

Sáng nay (21/7), tại Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2025), đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động và Đại hội thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VII. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo.

2(2).jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu

Cùng dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo VKSNDTC.

Ôn lại truyền thống của ngành kiểm sát nhân dân, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSNDTC cho biết, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức VKSND, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng xây dựng bộ máy các cơ quan tư pháp và xác định đây là cơ quan trọng yếu của chính quyền.

Đối với thiết chế Viện công tố, sau này là VKSND, Người có chỉ đạo toàn diện từ việc hoàn thiện mô hình tổ chức, cử nhân sự lãnh đạo cho ngành đến việc đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với cán bộ. Người đã có những lời căn dặn hết sức sâu sắc đối với cán bộ kiểm sát là phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lời căn dặn ấy đã trở thành kim chỉ nam hành động đối với toàn ngành kiểm sát nhân dân suốt 65 năm qua.

3(1).jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng đầu tiên của VKSNDTC đã khẳng định: Công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị. Sự quán triệt này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng, tổ chức và hoạt động của ngành KSND hơn nửa thế kỷ qua. Ngành đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội.

65 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành KSND không ngừng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho VKSNDTC vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận, đánh giá cao công lao, đóng góp của ngành KSND, từ việc bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững an ninh chính trị, củng cố chính quyền nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đến bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

Trong chặng đường 65 xây dựng, phát triển và trưởng thành, tổ chức bộ máy và nhiệm vụ của ngành kiểm sát nhân dân qua mỗi thời kỳ, có sự điều chỉnh phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, nhất là yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (từ nhiệm vụ kiểm sát chung việc tuân theo pháp luật đến nhiệm vụ công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp; từ mô hình tổ chức 4 cấp đến mô hình 3 cấp).

1(2).jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Danh hiệu Anh hùng lao động cho ngành kiểm sát nhân dân

Dù với tổ chức, bộ máy và nhiệm vụ nào, VKSND cũng có vị trí, vai trò quan trọng trong bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; ngành kiểm sát nhân dân luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tổng Bí thư nêu rõ, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng đã và đang được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo triển khai để tăng tốc, bứt phá phát triển nhanh và bền vững.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là rất quan trọng và cấp bách, nhất là khi vừa mới thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Hệ thống các cơ quan trong lĩnh vực tư pháp từ Trung ương đến địa phương cũng vừa được sắp xếp, tinh gọn.

Vai trò, trách nhiệm của ngành KSND trong thời gian tới rất quan trọng, là một trong những trụ cột bảo vệ công lý trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là một thành tố quan trọng trong xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; góp phần kiến tạo một xã hội kỷ cương, công bằng, dân chủ, văn minh - nơi công lý được thực thi, pháp luật được thượng tôn và lòng dân được củng cố.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư yêu cầu công tác của ngành kiểm sát phải luôn bám sát và phục vụ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước; phải đặt hoạt động của ngành trong tổng thể yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh Đảng ta đang chỉ đạo đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh, hiện đại; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả mô hình VKSND 3 cấp sau sắp xếp, tinh gọn; xây dựng VKSND luôn là một trong những thiết chế quan trọng để bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ gìn sự liêm chính của hệ thống tư pháp, góp phần trực tiếp bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân - những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn sâu, đạo đức trong sáng, kỷ luật nghiêm minh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai. Mỗi cán bộ kiểm sát phải không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ theo lời Bác Hồ đã dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; đồng thời không ngừng học tập, nâng cao trình độ công tác, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công việc trong giai đoạn mới.

4.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Chánh án TANDTC Lê Minh Trí chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo VKSNDTC

Tổng Bí thư nhấn mạnh phải không ngừng đổi mới tư duy, biện pháp công tác để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong hoạt động công tố phải bảo đảm đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, chú trọng chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm minh, đồng thời bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo.

Trong kiểm sát hoạt động tư pháp, phải bảo đảm mọi hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng pháp luật; bảo đảm quyền lực tư pháp được kiểm soát chặt chẽ; bảo đảm phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực ngay chính từ các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ngành cần tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công. Đây là nhiệm vụ mới, VKS cần đầu tư con người, cơ sở, vật chất để làm tốt công tác này.

Cùng đó, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục tố tụng tư pháp, theo đó cần tăng cường áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng các biện pháp phi tố tụng (hoà giải, đối thoại, thương lượng, thỏa thuận nhận tội...) nhằm chống lãng phí, giảm thiểu xung đột xã hội, tiết kiệm nguồn lực con người và vật chất, giảm chi phí tố tụng, chi phí xã hội.

Tổng Bí thư đề nghị ngành đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế về tổ chức, hoạt động tư pháp nói chung, kiểm sát nói riêng; chủ động tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật, nhất là làm tốt công tác phát hiện và kiến nghị khắc phục kịp thời các sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách pháp luật.

Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, hiện đại hóa ngành kiểm sát, hướng tới mô hình Viện Kiểm sát điện tử, cắt bỏ thủ tục trung gian, nâng cao hiệu quả xử lý công việc. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác kiểm sát; nghiên cứu, chọn lọc kinh nghiệm các mô hình quản trị tư pháp hiện đại của thế giới để vận dụng góp phần nâng cao năng lực hoạt động của ngành. Phát động các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn thi đua với thực thi pháp quyền, đổi mới sáng tạo và cống hiến không ngừng trong thời kỳ phát triển mới.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thăm Trung tâm điều hành thông minh ngành Kiểm sát nhân dân.

Mạnh H ng