Giọt nước mắt ở Truông Bồn
Lần đầu tiên tôi được đến Truông Bồn cùng với Đoàn công tác của Báo Công lý trong hành trình tri ân “Về miền đất lửa” tại những nghĩa trang nằm dọc dải miền Trung. Vốn là một người “khô khan”, nhưng trong suốt chuyến đi, tôi không ngăn nổi xúc động, nhất là khi được nghe Thuyết minh viên kể về sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ Thanh niên xung phong ở Truông Bồn đã vùi mình trong đất đá, khói bom để nối tuyến giao thông huyết mạch ra chiến trường.

Tháng 7, nắng võ vàng trên khắp những cánh rừng. Nhưng cái oi bức, nồng nã của miền Trung không thể ngăn được cảm xúc dâng trào trong mỗi thành viên của Đoàn công tác khi đến với Truông Bồn. Sau tiếng chuông vang vọng như đánh thức anh linh của những người đã khuất, từng thành viên trong Đoàn đã dâng lên những bông hoa, nén nhang thơm để tỏ lòng thành kính trước sự hy sinh cao cả của những anh hùng đã vị quốc vong thân.
Đứng quây quần bên ngôi mộ tập thể của 13 chiến sĩ Thanh niên xung phong (TNXP), thuộc Tiểu đội 2 – Đại đội 317, chị Phạm Thanh Hảo - Thuyết minh viên đã kể lại rằng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là "toạ độ lửa" ác liệt nhất, bởi nơi đây là nút giao thông trọng điểm trên tuyến đường chiến lược A - huyết mạch chi viện hàng hoá, vũ khí, thuốc men, quân trang, quân dụng từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Chính vì nắm được vị trí địa chiến lược của Truông Bồn nên quốc Mỹ đã điên cuồng ném bom, bắn phá nhằm hủy diệt con đường. Hàng vạn tấn bom Mỹ ném xuống Truông Bồn hòng cắt đứt mạch giao thông của ta, trung bình mỗi mét đất nơi đây phải hứng chịu hơn 3 quả bom. Chỉ tính riêng từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1968, Truông Bồn hứng chịu hơn 2692 quả bom, đạn các loại.
Suốt ngày đêm không khi nào Truông Bồn không ngớt tiếng bom, ngày cao điểm lên tới 131 lần, được ví như là "túi bom" trên chiến trường Khu 4. Trong trận chiến sinh tử này, 10 chiến sĩ, bộ đội đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Nói tới đây, giọng chị Hảo như nghẹn lại, tất cả chúng tôi cũng không ngăn nổi xúc động. Không có những lời hoa mỹ, chỉ có sự chân thành, mộc mạc, thấm đẫm xót thương, chị Thảo kể tiếp: Đêm hôm ấy, vào ngày 30/10/1968, đơn vị tổ chức liên hoan chia tay các đồng chí được xuất ngũ vì hết nhiệm kì và hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, Doãn – Đang – Phúc - Hiên về để vào Trường trung cấp học, anh Hoà và chị Tân ra quân để về quê tổ chức đám cưới, còn Bốn về quê vì anh trai vừa hy sinh, mẹ không có ai chăm sóc.
Thế nhưng, niềm vui chưa kịp dứt thì nỗi buồn đã ập tới với Đại đội TNXP 317 vì bị máy bay Mỹ oanh tạc, trút xuống 172 quả bom khi họ đang làm nhiệm vụ. Tiếng nổ đã làm rung chuyển cả núi rừng, bầu trời u ám bởi khói bom và đất đá. Những mảnh áo, những cán xẻng, cành cây và cả những vành nón mũ bay tứ tung… Đội hình Tiểu đội 2 đã bị vùi nát dưới trận bom dữ dội, máu của họ đã hòa vào trong đất và ở lại mãi mãi với Truông Bồn.

Sau khi tiếng bom ngừng, tất cả đi tìm xem còn có ai may mắn thì chỉ duy nhất tìm được Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông còn sống, còn các đồng chí Doãn, Đang, Phúc, Bốn thì nằm lặng ngắt. Sau đó, mọi người còn tìm thấy một cánh tay còn nguyên cái khăn mùi soa vẫn buộc ở cổ tay và một nửa vành nón trên đó có chữ "Tặng Dung"…
Máu và tuổi thanh xuân của các anh các chị đã hòa vào đất mẹ, để lại những ước mơ còn dang dở, những bức thư chưa kịp gửi, những lời hứa chưa thành.
Chúng tôi đứng lặng trước phần mộ chung của 13 người con ấy, trái tim như thắt lại đến nẵng trịu cả tâm gan. Những giọt nước mắt đã rơi, vì lòng tự hào và sự biết ơn trước sự hy sinh của Đại đội TNXP 317. Các anh, các chị đã ra đi khi tuổi đời chỉ từ 17 cho tới 22, nhiều người thậm chí còn chưa kịp một lần yêu, chưa kịp nói với mẹ cha lời cuối.
Đồng cảm với tôi, một thành viên trong Đoàn là chị Vũ Thị Thu Trang, Bí thư Đoàn Thanh niên của Báo Công lý cũng sụt sùi chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị được tới Truông Bồn. Ngay khi đặt chân xuống đây, chứng kiến không gian trang nghiêm, những bia tưởng niệm, di ảnh các liệt sĩ và câu chuyện lịch sử đã khiến lòng chị đau thắt lại khi cảm nhận rõ sự hy sinh cao cả của lớp người đi trước, của những người trẻ đã nằm lại mảnh đất này để đổi lại sự độc lập tự do cho Tổ quốc.
Khi nghe thuyết minh viên kể lại, Trang đã khóc rất nhiều. Chị khóc vì sự hy sinh của các thanh niên xung phong ở Truông Bồn đã gợi nên niềm tự hào sâu sắc về tinh thần yêu nước, nhưng cũng là nỗi tiếc thương cho tuổi xuân chưa trọn. Có người mới 17, 18 tuổi đã vĩnh viễn nằm lại, chưa kịp sống trọn cho một tuổi trẻ bình yên.

“Là những Đoàn viên Thanh niên của hiện tại, chúng em tự hào khi được kế thừa những tinh thần bất khuất, chiến công oanh liệt của những anh, chị TNXP đã anh dũng hy sinh để bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Chúng em xin hứa sẽ mãi khắc ghi và phấn đấu để mỗi ngày một tốt hơn, xứng đáng với lời dạy của bác Hồ dành cho tuổi trẻ “Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ””, chị Trang chia sẻ thêm.
Gió rừng thổi qua những hàng cây, như tiếng thì thầm của những linh hồn bất tử. Tôi tưởng tượng ra hình ảnh những chàng trai, cô gái nhỏ bé, chân lấm đất, áo đẫm mồ hôi và ánh mắt kiên cường dưới bom đạn. Họ không cần danh hiệu, không mưu cầu vinh quang. Họ chiến đấu và ngã xuống chỉ vì một điều giản dị là để đất nước được sống trong hòa bình.
Rời Truông Bồn, tôi không còn là mình của buổi sáng hôm ấy. Và tôi tin chắc rằng, trong tim mình mãi mang theo những câu chuyện, hình ảnh về các chị, các anh – những người đã nằm xuống để “Đất nước đứng lên”.
