Gượng dậy từ những hoang tàn
Sau lũ, nước rút nhưng nỗi đau, mất mát còn đọng lại. Nhà cửa tan hoang, tài sản bị cuốn trôi, người dân vùng lũ Nghệ An gần như trắng tay giữa bùn đất và đổ nát. Trong gian khó chồng chất, họ vẫn đang gượng dậy từng bước. Song, họ cũng rất cần những vòng tay sẻ chia để gây dựng lại cuộc sống từ những hoang tàn.
Nước mắt hòa bùn
Ở xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (cũ), bầu trời sau lũ sáng trở lại, nhưng mặt đất thì tan hoang. Những mái nhà vốn nép mình hiền lành dưới chân núi giờ chỉ còn là đống gạch vụn, khung gỗ đổ sập, tường đất bùn lầy nhão nhoẹt. Cây cối bật gốc, lúa ngô ngã rạp, trâu bò, gà lợn chẳng thấy đâu. Cả bản như vừa đi qua một cơn giông dữ dội không báo trước.
Bà Moong Thị Minh, người dân bản Phá Mựt, đứng lặng trước khoảng đất trống – nơi từng là mái ấm của ba thế hệ, giọng run run kể: “Tôi sống gần 70 năm ở đây, chưa bao giờ thấy lũ về nhanh và tàn phá đến vậy. Nhà cửa, đồ đạc, ruộng nương... nước cuốn đi sạch. Giờ chỉ còn lại đôi bàn tay trắng”.







Không riêng gì Phá Mựt, hàng loạt bản như Có Hạ, Na Hỉ, Na Lợt, Piêng Cọoc... cũng rơi vào cảnh tang thương. Lũ quét đổ về giữa đêm. Cả bản Có Hạ với hơn 30 hộ, hơn 100 nhân khẩu phải dắt díu nhau chạy lên núi giữa cơn mưa như trút. Trời tối như mực, người lớn bồng con, dắt cụ già, co ro run rẩy suốt đêm dưới tán rừng ẩm lạnh, không dám quay đầu nhìn lại bản làng.
Sáng hôm sau, khi lũ rút, họ lội bùn trở về. Và họ bật khóc. Cảnh tượng đập vào mắt là những mái nhà không còn dấu vết, vật nuôi mất tích, thóc lúa mục nát, vỡ toang theo vũng nước đọng.
“Tôi chỉ kịp ôm con chạy, không cứu được gì. Nhà trôi hết rồi, giờ chú bảo phải làm sao?”, chị Lang Thị Lượng nghẹn ngào nói, nước mắt chan hòa trên gương mặt lấm bùn.
Cái chết cũng đã ghé qua Nhôn Mai. Một người đàn ông không kịp thoát thân giữa dòng nước xiết. Sự ra đi của anh không chỉ để lại khoảng trống trong lòng người thân, mà còn là nỗi sợ âm ỉ trong lòng những người ở lại – rằng lũ dữ có thể trở lại bất cứ lúc nào.
Trường ngập trong lũ, mùa khai giảng lại cận kề...
Lũ không chỉ phá hủy mái nhà, nó còn cướp đi mái trường. Ở xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (cũ), gần 250 ngôi nhà bị sập, bị hư hỏng, trường học cũng bị bùn đất bủa vây, trong khi mùa khai giảng lại cận kề...





Tại Trường Tiểu học bán trú Mỹ Lý 2, toàn bộ dãy nhà cấp 4 bị nước nhấn chìm. Nước lũ tràn lên tầng hai. Gần 2 tấn gạo dự trữ cho học sinh bán trú ướt nhẹp. Hơn 20 máy tính, hàng chục tủ sách, vở học sinh, tài liệu giảng dạy... bị lũ nhấn chìm trong bùn. Sân trường trở thành vũng lầy, mùi ẩm mốc bốc lên nồng nặc.
Thầy Lương Văn Khoa, phó hiệu trưởng nhà trường, bần thần bước qua từng phòng học tan hoang: “Sắp tháng 8 rồi, lẽ ra thầy trò đang chuẩn bị năm học mới. Nhưng giờ thì... chúng tôi không còn gì ngoài những căn phòng trống rỗng và bùn”.
Người dân cần lắm những vòng tay
Sau lũ, không còn tiếng gào thét của nước, chỉ còn tiếng gió hun hút thổi qua những mái nhà đổ nát. Cuộc sống của người dân vùng biên giờ đây tạm bợ hơn bao giờ hết. Họ sống nhờ vào đồ cứu trợ. Người mất nhà thì ở nhờ nhà văn hóa, trường học. Người mất hết lương thực thì sống nhờ vào đồ cứu trợ, của chính quyền, của hàng xóm.
Khó khăn là thế, song họ không đầu hàng. Từ bùn lầy, họ chắt chiu dựng lại từng viên gạch, rửa lại từng cái xoong, cái nồi, cố gắng trồng lại rau, dựng tạm mái che. Họ bảo nhau: “Còn sống là còn gượng dậy được”. Những câu nói tưởng chừng giản đơn ấy, chứa đựng trong đó sức mạnh kỳ diệu.
Tuy nhiên, sức người có hạn. Họ đang rất cần những bàn tay đưa tới. Cần lắm những chuyến xe nghĩa tình, những đoàn thiện nguyện mang theo quần áo, sách vở, thuốc men, cây - con giống. Cần những chương trình hỗ trợ khẩn cấp: về nhà ở, lương thực, y tế, đặc biệt là khôi phục trường lớp và cơ sở hạ tầng bị phá hủy.
Ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý tha thiết nói: “Chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, của cộng đồng, của cả những người con xa quê. Một cánh tay đưa tới lúc này, không chỉ là cứu trợ – mà là cứu lấy niềm tin sống của cả một bản làng”.





Lũ đi qua, nhưng nỗi đau, mất mát còn ở lại. Những đứa trẻ nhìn quanh chẳng thấy bàn ghế. Những người mẹ ngồi thẫn thờ bên khoảng đất trống. Những người đàn ông lội bùn đi tìm, nhặt nhạnh lại những gì lũ chưa kịp cuốn đi. Thế nhưng trên gương mặt mỗi người luôn ánh lên niềm hy vọng.
Lúc này đây, hơn bao giờ hết, người dân vùng lũ Nghệ An cần lắm những tấm lòng nhân ái, những bàn tay dang rộng của cộng đồng, xã hội. Bởi đối với họ lúc này, mỗi hành động sẻ chia, mỗi lời ân cần hỏi han nó không khác nào ngọn lửa sưởi ấm họ trong cơn lũ lạnh.