"Giải cứu" di tích cấp tỉnh đình Đô Mỹ
Trước nguy cơ ngôi đình Đô Mỹ (xã Tống Sơn, Thanh Hóa) đổ sập bất cứ lúc nào, cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo để di tích cấp tỉnh này không thành phế tích.
Đình Đô Mỹ được xây dựng từ giữa thế kỷ XIX, thờ Thành hoàng Thái úy Tô Hiến Thành, cùng với thờ hai vị Đô Bá và Nguyễn Thận Xuân. Năm 1996, đình được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh nằm ở xã Hà Tân cũ (nay là xã Tống Sơn).

Trải qua gần 200 năm tồn tại, những biến động, thăng trầm của lịch sử khiến cho công trình gỗ bề thế này bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập. Người dân địa phương đã nhiều lần đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xem xét để tôn tạo, tu bổ nhưng chưa có kinh phí.

Sau nhiều lần nâng lên, đặt xuống, tháng 5/2025, dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Đô Mỹ có tổng mức đầu tư hơn 14,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 13,420 tỷ đồng phần kinh phí còn lại được huy động từ nguồn ngân sách xã và nguồn xã hội hóa được phê duyệt.

Ngay sau đó, công trình được khởi công vào tháng 6/2025 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trước tết Nguyên đán 2026.
Đối với các công trình văn hóa, không phải cứ có tiền là xong. Mà quan trọng là khi phục dựng, tôn tạo phải giữ được yếu tố gốc, các nét họa tiết, hoa văn đặc trưng của công trình gắn với thời kỳ lịch sử chứ không phải phá đi làm mới.

Phó chủ tịch UBND xã Tống Sơn Phan Thị Lan cho hay: Đình Đô Mỹ là một công trình kiến trúc tiêu biểu của thời Nguyễn, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, sau gần 200 năm tồn tại, trải qua bao biến động lịch sử và tác động của thời gian, công trình gỗ quý giá này đã xuống cấp nghiêm trọng, phần mái, kết cấu cột kèo bị mục nát, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, gây lo lắng cho người dân.

Việc đình được tu bổ là sự kiện lớn, mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho hàng nghìn người dân trong vùng. Mọi người mong mỏi công trình được hoàn thành đúng tiến độ, vừa bảo tồn di sản, vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện nay.

“Để bảo tồn nguyên trạng kiến trúc gốc, trước khi hạ giải chúng tôi đã mời các đơn vị có chuyên môn của Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Thanh Hóa, cùng với đại diện người dân, chính quyền, đơn vị thi công để lập biên bản, quay clip, chụp ảnh từng nét hoa văn, họa tiết… Có các chuyên gia, người dân cùng giám sát, chúng tôi tin đình sẽ được phục dựng nguyên trạng”, bà Lan nói.

Đình Đô Mỹ không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, đình còn là biểu tượng của truyền thống và lịch sử quê hương. Việc nâng cấp đình không chỉ góp phần bảo tồn di sản mà còn thể hiện sự quan tâm của chính quyền tới đời sống tinh thần của nhân dân.

Hàng năm, nơi đây đều tổ chức các lễ hội truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu quê hương, giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc. Được biệt, đình nằm ngay bên cạnh chùa, nhà văn hóa tạo không gian rộng rãi, thoáng mát cho người dân thụ hưởng cả về tinh thần và các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao.
Hiện nay, đơn vị thi công đang dọn dẹp mặt bằng, lấy cốt, phân loại các phiến đá còn sử dụng được, các phiến hư hỏng thì đặt đơn vị đục, đẻo cho đúng kích cỡ. Phần trụ cột bằng lim cũng được đo kỹ càng để khi thay thế đảm bảo chất lượng, chủng loại.
Đình chỉ có vài họa tiết hoa văn, trong thời đại công nghệ phát triển thì không quá khó để làm lại. Phần ngói lợp cũng được chụp, lấy mẫu đi đặt hàng đơn vị sản xuất thủ công theo đúng phương pháp ngày trước.