Đời sống

Hang Co Phương: Chứng tích bi tráng của lòng yêu nước và sự hy sinh cao cả

Thành Phan 26/07/2025 - 10:10

Nằm ẩn mình trong lòng dãy núi Pố Há hùng vĩ, Hang Co Phương (còn gọi là Co Phường, xã Phú Lệ, tỉnh Thanh Hóa) là một chứng tích lịch sử đầy xúc động, ghi dấu những hy sinh thầm lặng của quân và dân Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hang Co Phương, với diện tích khoảng 20m² và vòm hang cao nhất khoảng 4m, được kiến tạo bởi những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau. Tên gọi "Co Phường" theo tiếng Thái có nghĩa là "hang cây khế", xuất phát từ cây khế cổ thụ từng đứng sừng sững trước cửa hang.

Trong những năm kháng chiến ác liệt, đặc biệt là Chiến dịch Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ, bản Sại, xã Phú Lệ, nằm trên tuyến đường huyết mạch vận chuyển quân lương, khí giới của quân ta. Hang Co Phương, với vị trí đắc địa gần cả đường bộ và đường sông lên vùng Tây Bắc và Thượng Lào, đã trở thành một trạm quân lương, đồng thời là nơi trú quân quan trọng của bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến.

img_200403_105321.jpg
Khu di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia hang Co Phương

Sự quan trọng của Hang Co Phương không thoát khỏi tầm ngắm của giặc Pháp. Máy bay địch liên tục quần thảo, ném bom bắn phá nhằm cắt đứt tuyến chi viện. Với tinh thần quả cảm, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Thanh Hóa đã bám trụ, giữ vững giao thông thông suốt ra chiến trường.

Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 2/4/1953, một trận bom ác liệt của giặc Pháp đã đánh sập cửa hang Co Phương, chôn vùi 11 dân công hỏa tuyến đang trú ẩn bên trong. Những người còn sống sót đã nỗ lực tìm mọi cách để cứu các đồng đội, nhưng tảng đá quá lớn và việc không có máy móc phù hợp đã khiến công cuộc giải cứu trở nên bất lực. Tuổi thanh xuân của họ đã mãi mãi hòa vào lòng đất mẹ.

Danh tính của 11 liệt sĩ, quê ở xã Thiệu Nguyên cũ (nay là xã Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vẫn được khắc ghi trên bia đá trước cửa hang: Nguyễn Thị Diễu, Nguyễn Chi Hoằng, Nguyễn Thị Hội, Nguyễn Thị Mứt, Nguyễn Dung Phước, Nguyễn Thị Thiêm, Nguyễn Chí Toàn, Nguyễn Thị Toán, Nguyễn Thị Tố, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Viên.

img_20250726_091846.jpg
Người dân đến dâng hương tại hang Co Phương

Để tưởng nhớ công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, năm 1999, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà bia tưởng niệm. Đến năm 2019, di tích này vinh dự được xếp hạng cấp quốc gia.

Ngày nay, Khu di tích lịch sử Hang Co Phương với nhà bia và khuôn viên hành lễ, sừng sững giữa đại ngàn là lời nhắc nhở những thế hệ hôm nay và mai sau luôn khắc ghi về một thời kỳ chiến đấu anh dũng, về sự hy sinh cao cả của những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do dân tộc.

Thnh Phan