Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai: Cùng một dự án, không áp dụng hai chính sách khác nhau
Tỉnh Gia Lai vừa tổ chức Hội nghị kiểm tra tình hình triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện Dự án đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku qua địa bàn tỉnh Gia Lai cũ.
Theo ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban quản lý dự án Giao thông và Dân dụng tỉnh Gia Lai, toàn bộ Dự án đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku có tổng chiều dài 125km, có điểm đầu ở Quốc lộ 19B, thuộc phường An Nhơn Bắc và điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh, địa phận phường Hội Phú, tỉnh Gia Lai.
Tổng mức đầu tư dự án 43.743 tỉ đồng, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường ,75m, vận tốc thiết kế 100km/h; dự án có 3 công trình hầm ngầm qua hai đèo An Khê và Mang Yang; có 2 trạm dừng nghỉ. Hình thức đầu tư, đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Chính vì dự án có tổng mức đầu tư lớn, cùng với đó là địa hình hiểm trở, nên theo Nghị quyết số 219/2025/QH ngày 27/6/2025 của Quốc hội, dự án được chia làm 3 dự án thành phần. Cụ thể, Dự án thành phần 1 đi qua các phường, xã: An Nhơn Bắc, An Nhơn, Bình An, Bình Hiệp, Bình Phú, tổng chiều dài 22km.
Dự án thành phần 2: (Hướng tuyến theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được phê duyệt) đi qua các phường, xã An Bình, Bình Phú, Bình Khê, Cửu An, Ya Hội, Đak Pơ, Hra, tổng chiều dài 68km; (Hướng tuyến đang kiến nghị điều chỉnh), đi qua các phường, xã An Bình, Bình Phú, Bình Khê, Ya Hội, Đak Pơ, Hra.
Dự án thành phần 3, đi qua các xã, phường Lơ Pang, Mang Yang, K'Dang, Đak Đoa, Ia Băng, Hội Phú, tổng chiều dài 35km. Dự kiến thời gian triển khai dự án từ 2025-2029.

Nhu cầu vật liệu thực hiện cho dự án, ước lượng cần khoảng 21 triệu m3 đất đắp, 2,5 triệu m3 cát và 2,8 triệu m3 đá. Qua đó, các mỏ khoáng sản đã khảo sát, cơ bản đáp ứng nhu cầu dự án.
Ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, dự án thành phần 3 cơ bản đã có hướng tuyến chính xác. Để đảm bảo tiến độ chung, dự kiến sẽ cho khởi công nhanh nhất có thể tại các đoạn tuyến thuận lợi đã bàn giao mặt bằng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các xã, phường có Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đi qua, mong muốn các sở, ngành hỗ trợ địa phương trong công tác cắm mốc, làm giá đất… do phần lớn khối lượng công việc đều giao về cho địa phương, nhiều nội dung còn mới nên lúng túng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh: Dự án này là mong muốn của nhân dân 2 tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai (cũ) nhiều năm qua và nay đã thành hiện thực. Do vậy, quá trình triển khai thực hiện đòi hỏi đảm bảo chất lượng, kịp tiến độ và kỳ vọng của địa phương.

Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, để dự án không bị vướng, chậm trễ thì các xã, phường có dự án đi qua cần khẩn trương thành lập Hội đồng bồi thường GPMB. Các Ban Quản lý dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất có trách nhiệm sẽ hỗ trợ các địa phương thực hiện.
Về giá đất, yêu cầu các xã, phường phải chủ động phê duyệt giá đất. Nếu thuê đơn vị tư vấn thì mất rất nhiều thời gian để thẩm định, điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
“Công tác bồi thường, tái định cư phải đảm bảo phù hợp, hài hòa lợi ích nhân dân và quy định của Nhà nước. Hiện nay, địa bàn Gia Lai (cũ) đang áp dụng chính sách Gia Lai (cũ); địa bàn Bình Định (cũ) cũng đang áp dụng chính sách Bình Định (cũ). Trong cùng một dự án, không thể áp dụng hai chính sách khác nhau.
Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành có liên quan, tham mưu để tỉnh ban hành chính sách bồi thường thống nhất áp dụng cho Gia Lai (mới), dành cho tất cả các dự án. Đồng thời, phải làm rõ các thông tin cụ thể về số lượng hộ dân cần bố trí tái định cư, quy mô khu tái định cư, diện tích, địa điểm”, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh.