Nghề chụp ảnh dạo ở Đà Nẵng trong thời đại số
Dạo quanh cầu Rồng và bên bờ sông Hàn, không khó để bắt gặp những người làm nghề chụp ảnh dạo- một nghề tưởng chừng bị quên lãng trong thời đại số hiện nay. Vậy nhưng, nghề chụp ảnh dạo vẫn bền bỉ tồn tại.
“Du khách thích sản phẩm của tôi”
Trên phố có một người đàn ông với nước da nâu bánh mật, vẻ ngoài điềm tĩnh và trên tay cầm chiếc máy ảnh. Đó là chú Thi- người chụp ảnh dạo 54 năm tuổi nghề. Chiếc xe cũng là phương tiện “hành nghề”, trên đó có thiết bị in phục vụ công tác “in ảnh lấy liền” của chủ nhân.
Chú Thi chỉ mời chào khách hàng bằng một vài câu: “Chụp ảnh kỷ niệm không anh, chị?”, “Ảnh lấy liền đây anh, chị ơi!”, chứ không níu kéo khách dưới mọi hình thức. Mỗi tấm ảnh dao động từ 25-50 nghìn đồng. Các khách hàng sẽ được chú hướng dẫn tạo dáng và chọn góc đẹp nhất, từ đó những tấm ảnh “xịn xò” được ra đời.

Đứng ở nơi đông du khách ghé tới, nên đa phần khách hàng của chú Thi cũng là khách du lịch. “Khách của chú đa phần là người nước ngoài. Họ thích ảnh chú chụp lắm, họ khen chú chụp đẹp rồi ủng hộ chú nhiều. Làm nghề này chú cũng không thấy khó khăn lắm đâu con, vì cũng có thu nhập. Chú treo ảnh mẫu trên xe, khách xem tham khảo, thấy đẹp rồi chụp thôi”- chú Thi vui vẻ chia sẻ.
Cũng giống như chú Thi, khách hàng của gian ảnh Hải Black phần nhiều cũng là du khách- những người muốn lưu lại khoảnh khắc bên sông Hàn theo cách truyền thống. Với những vị khách nước ngoài, họ thường bị thu hút bởi những người thợ ảnh lớn tuổi, đứng giữa phố với chiếc máy ảnh cùng nụ cười niềm nở.
“Tôi đi du lịch ở đâu cũng chụp vài tấm ảnh mang về làm kỷ niệm. Lý do là vì giá cả hợp lý mà quan trọng là giữ được lâu nữa”- lời chia sẻ từ chị Thanh - khách hàng của chú Hải. Chị cũng cho biết thêm, các thợ ảnh dạo ở Đà Nẵng rất thân thiện, nhiệt tình và có kỹ thuật tốt.

Ở thời đại của những tấm ảnh selfie, nghề “lưu giữ nụ cười” vẫn bám trụ vững vàng và có vị trí đứng nhất định trong thị trường dịch vụ. “Không có ngày nào chú phải về không hết con. Ngày ít nhất cũng 300-400 nghìn đồng”- chia sẻ của một thợ chụp ảnh khác.
Không phải không có những khó khăn
May mắn là thế, nhưng không phải không gặp trở ngại. Thời gian trôi qua, đất nước ngày một hiện đại, các ngành nghề mang tính “thâm niên” ít nhiều bị ảnh hưởng, thấy rõ nhất là nghề chụp ảnh truyền thống.
Cũng có thể thấy vì phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch, nên công việc của những thợ ảnh dạo cũng trở nên bấp bênh. “Tiệm ảnh” của họ chỉ thường đông khách vào buổi sáng hoặc chiều muộn- khi thời tiết mát mẻ và du khách có nhu cầu dạo chơi, chụp ảnh. Còn vào giữa trưa, khi nắng gắt, họ gần như chỉ biết ngồi chờ, tranh thủ thời gian ăn vội bữa trưa.
Khi được hỏi về những khó khăn của nghề, chú Hải thật tình chia sẻ: “Có khó khăn chứ con. Bây giờ ai ai cũng có điện thoại thông minh. Người trẻ họ toàn dùng điện thoại để chụp ảnh”, chú nói với giọng thoáng buồn.
Khi đã chọn sống với đam mê, những người làm nghề như chú Hải phải đứng hàng giờ trước những cái nắng gay gắt hay đôi khi là những cơn mưa bất chợt để đón từng đợt khách qua lại trên phố.
Mùa mưa đến, công việc sẽ khó khăn hơn. Những cơn mưa không chỉ làm ướt thiết bị, mà còn khiến đường phố vắng bóng khách du lịch.
Với những người chụp ảnh dạo, mưa đồng nghĩa với việc “nghỉ làm” bất đắc dĩ. Không khách, không ảnh, không thu nhập. “Chú chỉ đi làm ngày nắng hoặc lúc trời mát mẻ thôi, chứ mưa thì chú phải ở nhà. Đặc thù nghề này là vậy đó con”- một thợ ảnh chia sẻ.

Cho dù vẫn còn tồn tại những khó khăn, nhưng họ- những “phó nháy” đường phố vẫn trông chờ vào những sự may mắn trong nghề để bám trụ với nó. Một phần là vì cuộc sống mưu sinh, phần nữa vẫn là do niềm đam mê từ mỗi cá nhân. Họ đã quen với máy ảnh, ống kính và cái nghề “lưu giữ niềm vui cho người xa lạ”.