Giải quyết khiếu nại, tố cáo phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu
Chính trị - Ngày đăng : 07:26, 05/10/2016
Đơn khiếu nại tố cáo giảm nhưng khiếu kiện phức tạp gia tăng
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp. Tổng số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước giảm 8,6%. Nhưng so với cùng kỳ năm 20 thì lại tăng 31,3% số đơn tố cáo và tăng 2,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước. Cơ cấu, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo không có nhiều thay đổi so với năm trước như về khiếu nại chủ yếu là đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội, tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản; khiếu kiện đông người vẫn diễn biến rất phức tạp...
Thẩm tra nội dung này, UBTP cho rằng, tuy số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên tục giảm nhưng gia tăng khiếu kiện phức tạp, đông người. Việc tổ chức tiếp công dân tại một số nơi vẫn còn hình thức, chưa thực sự gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết KNTC. Một số nơi còn đặt ra thủ tục rườm rà, thuận lợi cho cơ quan nhà nước nhưng khó khăn cho người dân khi trực tiếp đến gửi đơn tại Ban Tiếp công dân. Một số địa phương chưa chủ động, thực sự nỗ lực, quyết tâm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn bất cập, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm...
Báo cáo của TANDTC cũng cho thấy, trong thời gian qua, tình hình khiếu nại nói chung và khiếu nại về tư pháp nói riêng vẫn còn gay gắt, kéo dài, đã qua nhiều cấp giải quyết nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại, chủ yếu trong lĩnh vực đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong năm 2016, các Tòa án đã nhận được trên .000 đơn các loại. Trong số những đơn này, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng 3.972 đơn và đơn tố cáo đối với cán bộ công chức Tòa án giảm nhiều so với năm trước.
Trước tình hình này, Chánh án TANDTC đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của các Tòa án xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết đơn theo đúng quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết, các Tòa án đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét, giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Chất lượng giải quyết tiếp tục được đảm bảo, 100% kháng nghị của Chánh án TANDTC đều được HĐXX giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận.
Về việc thực hiện Nghị quyết 69/2013/QH13 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII, TANDTC đã tham gia Tổ công tác liên ngành xem xét một số vụ án có đơn kêu oan gửi các cơ quan Trung ương; thụ lý xem xét 16 trường hợp có đơn kêu oan trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình, đã giải quyết 4 trong 16 trường hợp nêu trên. Về cơ bản, việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật (có 3 trường hợp trả lời không có căn cứ kháng nghị).
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của các Tòa án trong thời gian tới, sẽ tổ chức thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Các Tòa án tập trung thực hiện tốt các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật; tăng cường tổng kết công tác xét xử và phát triển án lệ; thông qua các án lệ sẽ là một kênh tăng cường đối với công tác xét xử của các Tòa án…
Thẩm tra nội dung này, UBTP cơ bản tán thành với đánh giá của Chánh án TANDTC về tình hình và kết quả giải quyết KNTC của TAND năm 2016 và cho rằng trong năm qua lãnh đạo TANDTC đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này và tăng cường giải quyết đơn thư. Với việc triển khai những biện pháp đó, công tác giải quyết đơn thư của TAND đã đạt được kết quả tích cực.
Giải quyết KNTC phải có điểm dừng
Cho ý kiến về các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, những nguyên nhân khiến tình hình KNTC phức tạp kéo dài mà Chính phủ đưa ra không mới, nhiều năm nay vẫn thế. Đề nghị Chính phủ có báo cáo rõ hơn, hiện nay đơn thư tồn đọng là bao nhiêu, phát sinh mới thế nào, trong đó làm rõ trách nhiệm của địa phương trong việc giải quyết KNTC. Bên cạnh đó, công tác tiếp dân, xử lý đơn thư là vô cùng quan trọng. Thanh tra Chính phủ đã làm tốt vấn đề này, nhưng đề nghị xem lại những thành phần tham gia tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương dù đã có quy định nhưng thực tế không đủ; có cơ quan không có hoặc cử cán bộ hoặc trợ lý thay thế nên hiệu quả giải quyết không cao. Cùng với đó là trách nhiệm của các địa phương trong việc đối thoại, tiếp công dân và giải quyết đơn thư đã làm đúng, làm hết trách nhiệm của mình hay chưa?
Nhấn mạnh việc tiếp công dân, giải quyết KNTC thì vai trò của cán bộ rất quan trọng, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết, bản thân ông từng chứng kiến nhiều cán bộ không có kiến thức, nói đúng thành sai, nói đơn giản thành phức tạp, nguy hiểm nhất là đùn đẩy và đổ lỗi trách nhiệm. Ông cũng chia sẻ với những áp lực mà cán bộ tiếp dân phải chịu. "Có một thực tế rất nguy hiểm là sự can thiệp, chỉ đạo, nhận định của quan chức. Có những vụ việc rất đơn giản, anh em giải quyết đúng tinh thần thì lại có điện thoại. Tôi đã chứng kiến và rất chia sẻ với anh em làm nghề này. Can thiệp chỉ đạo làm méo mó sự việc. Có khi một sự việc 3 trường phái chỉ đạo thì biết nghe trường phái nào, rất khó...”, ông Việt nói.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, ngoài những nguyên nhân khiến tình hình KNTC phức tạp kéo dài mà Chính phủ nêu ra còn có một nguyên nhân khác chưa được đề cập đến. Đó là, do điều kiện phát triển kinh tế của nước ta hiện nay, các mối quan hệ ngày càng trở nên phức tạp, đan xen lẫn nhau cũng khiến cho tính chất vụ việc KNTC càng trở nên phức tạp. Cùng với đó, trách nhiệm của cơ quan xử lý chưa tốt, còn có tình trạng cậy thế của mình để nhũng nhiễu, tiêu cực, giải quyết công việc chưa đến nơi, đến chốn.
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh rằng, cần phải coi việc công khai minh bạch trong quá trình giải quyết công việc đối với dân là giải pháp của mọi giải pháp để khắc phục tình trạng KNTC phức tạp như hiện nay. Và, trong giải quyết KNTC cũng cần có điểm dừng. Chính phủ, các cơ quan cần phải xem xét để có biện pháp, nếu cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết đúng thẩm quyền, đúng pháp luật rồi thì phải có khẳng định, chứ không thể tiếp tục chuyển đơn, để rồi cứ khiếu kiện mãi, bà Nga cho biết.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, các báo cáo phản ánh đầy đủ tình hình cũng như kết quả giải quyết KNTC hiện nay của Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với việc tiếp dân và giải quyết KNTC và cần phải chỉ rõ địa chỉ, cán bộ đã không thực hiện mới phát huy tác dụng. Đồng thời đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện các báo cáo trình Quốc hội trong kỳ họp tới.