Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 2, Quốc hội kha XIV
Chính trị - Ngày đăng : 09:39, 20/10/2016
Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây là nghi lễ thường lệ trước mỗi kỳ họp Quốc hội nhiều năm qua. Đoàn đại biểu xuất phát từ phía tòa nhà Quốc hội qua Quảng trường Ba Đình tiến về phía lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc 7h ngày 20/10. Ảnh Zing
Quốc hội đã họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2.
Theo chương trình, tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu sẽ phát biểu khai mạc kỳ họp.
Tiếp đó, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày báo cáo kinh tế-xã hội năm 2016 và kế hoạch năm 2017; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…
Chú trọng công tác lập pháp
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV diễn ra khi tình hình biến đổi khí hậu trong nước diễn biến phức tạp, thiên tai, hạn hán, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung gây khó khăn lớn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Mặc dù khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế là rất lớn nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng; sự giám sát hiệu quả của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành; sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân đã tạo ra không khí mới, động lực mới, niềm tin và kỳ vọng vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường tập trung nhiều hơn cho việc xem xét, quyết định đối với các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và chú trọng, chiếm khoảng 65% thời gian của kỳ họp vì chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất tập trung cho công tác nhân sự của Nhà nước.
Cụ thể, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 04 dự án luật, 01 nghị quyết và cho ý kiến về 13 dự án luật khác, 01 nghị quyết.
Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật về Hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/20/QH13 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn trong 2,5 ngày
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.
Cụ thể, các báo cáo của Chính phủ gồm: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm; Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; Báo cáo về tình hình Biển Đông.
Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Quốc hội cũng sẽ giám sát tối cao về “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-20) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và tiến hành chất vấn-trả lời chất vấn trong 2,5 ngày.
Đổi mới việc tranh luận trên nghị trường
Được biết, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sẽ có nhiều đổi mới. Trước hết, về công tác lập pháp, để nâng cao chất lượng luật và để các dự thảo luật dễ dàng đi vào cuộc sống, Quốc hội đã có những quy định chặt chẽ hơn để bảo đảm thời gian, tiến độ thủ tục trình các dự án Luật; yêu cầu cơ quan soạn thảo bảo đảm đúng quy trình thủ tục; trong quá trình thẩm tra sẽ mở những hội nghị chuyên trách để cùng nhau cho ý kiến tham gia vào các dự án Luật; tranh thủ thêm ý kiến của chuyên gia để tăng chất lượng Luật.
Trong quá trình xin ý kiến về các dự án Luật, nếu còn có nhiều ý kiến khác nhau thì Quốc hội sẽ kéo dài thời gian thảo luận để bảo đảm dự án Luật khả thi khi đi vào cuộc sống.
Thứ hai, Quốc hội sẽ đổi mới việc tranh luận trên nghị trường, tạo điều kiện tranh luận về các báo cáo kinh tế. Đồng thời, các Bộ trưởng, trưởng ngành của cơ quan trực tiếp trình các dự án luật sẽ tranh luận trên nghị trường với các đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn ý kiến khác nhau; trong quá trình thảo luận, các đại biểu muốn tranh luận với các đại biểu khác hoặc với các Bộ trưởng, trưởng ngành thì có thể đăng ký phát biểu, để quá trình thảo luận tại Hội trường đạt kết quả cao hơn.
Trong quá trình chất vấn, trao đổi tại nghị trường, nếu còn nhiều câu hỏi vào cuối chiều thì sẽ kéo dài thêm, nếu vào buổi trưa thì cho tất cả các đại biểu Quốc hội hỏi hết, sau đó các thành viên Chính phủ sẽ trả lời, nếu chưa trả lời hết thì sẽ trả lời đầy đủ bằng văn bản sau, do còn phải chuẩn bị cho nội dung làm việc buổi chiều của Quốc hội.