Đỏ chưa hẳn đã chín
Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ khi bị dẫn giải ra tòa. Ảnh: Vũ Mai
Chẳng hạn tại Tp. Hồ Chí Minh, số liệu thống kê của VKSND Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2007, thành phố khởi tố 19 vụ tham nhũng, năm 2008 khởi tố 17 vụ, năm 2009 khởi tố 19 vụ và 9 tháng đầu năm 2010 khởi tố 14 vụ. Trong đó có vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ được dư luận chăm chú theo dõi và hài lòng với mức án tù chung thân dành cho kẻ ăn hối lộ cộm cán này.
Theo các chuyên gia, số liệu trên không phản ánh đúng thực trạng tham nhũng đang xảy ra. Dẫu chưa có số liệu đầy đủ nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia thì con số các vụ phát hiện và xử lý của ta hiện nay chỉ chiếm chừng 7 - 10% thực tiễn đang diễn ra. Điều đó cho hay việc phát hiện và điều tra, xét xử tội tham nhũng rất khó khăn. Ngoài ra, công tác điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua cũng chưa đảm bảo tính khách quan, còn bỏ lọt người, lọt tội, “nhầm tội” hoặc chưa nghiêm, chưa công bằng.
Mới đây tại một hội nghị chuyên đề đánh giá thực trạng tình hình và những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng tại Tp. Hồ Chí Minh do VKSND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, vấn đề bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến tội phạm về tham nhũng để tạo điều kiện cho công tác điều tra, truy tố và xét xử hiệu quả hơn đã được bàn thảo sâu sắc.
Đã có vụ khi khởi tố điều tra, truy tố về tội tham ô tài sản nhưng đến khi xét xử thì chuyển tội danh qua tội khác có khung án nhẹ hơn hoặc vẫn giữ nguyên tội danh cũ. Đến nay các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn chưa có hướng dẫn về cách tính tài sản Nhà nước bị thiệt hại đối với một số tội danh như lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ để có cơ sở xác định chính xác dấu hiệu định tội, định khung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người phạm tội.
Thảo luận tại Quốc hội về báo cáo của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đại biểu Quốc hội thẳng thắn nêu ý kiến đã đến lúc cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một điều khoản của Luật Phòng chống tham nhũng. Cụ thể cần có điều khoản buộc tất cả cán bộ, công chức phải công khai tài sản chứ không phải chỉ có một số ít đối tượng phải kê khai tài sản như hiện nay.
Đây là lỗ hổng gây khó cho công tác phòng ngừa nạn tham nhũng. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu luật hóa việc phối hợp với hoạt động thanh tra, kiểm toán để công tác phòng chống tham nhũng thực sự trở thành nhiệm vụ của hệ thống chính trị.
Bảo Dân