Đại biểu Quốc hội nêu 6 bất an, bức xúc của dân lm "nng" nghị trường
Chính trị - Ngày đăng : 09:05, 10/06/2017
ĐBQH Đặng Thuần Phong phát biểu tại buổi thảo luận
Theo đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong- tỉnh Bến Tre, qua một năm nhận nhiệm vụ và chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã chủ động và nỗ lực cao. Do vậy, cũng đã giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế- xã hội đáng ghi nhận. Tiêu biểu là tập trung xử lý các nút thắt của nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, giải quyết những vấn đề đầu tư dàn trải, chú trọng hiệu quả đầu tư, từng bước cải thiện dần năng suất lao động, chú trọng phát huy mọi nguồn lực. Tính ổn định, bền vững của nền kinh tế còn tồn tại nhiều vấn đề đáng lo nhưng vẫn duy trì được tăng trưởng, nâng dần năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện của khả năng thích ứng của nền kinh tế tốt hơn, chủ động hơn. Độ nhạy trong điều hành chính sách được nhân dân tin tưởng thông qua chỉ đạo thực địa sát thực tiễn của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, sức ép trong điều hành tài chính khi dấu hiệu mất cân đối đang hiện hữu là thách thức lớn cho Chính phủ và Quốc hội. Chuyển dịch cơ cấu chưa rõ nét, nhìn từ góc độ dịch chuyển lao động và năng suất lao động. Vai trò kiến tạo của các bộ, các địa phương và lực lượng cán bộ, công chức chưa đáp ứng kịp yêu cầu của Chính phủ. Các nguồn thu chính của nền kinh tế chưa đạt, năm nay chúng ta thu chủ yếu từ đất đai. Nợ công, nợ xấu đã báo động, giải ngân chậm, đội vốn và lãng phí trong đầu tư vốn. Cân đối thu chi nhiều bất ổn, chuyển nguồn hàng năm còn lớn, bội chi ngân sách tăng chưa dừng. Các thách thức này buộc Chính phủ phải quyết liệt hơn, 9 nhóm giải pháp phải đồng bộ, chọn nội dung ưu tiên để dồn công sức và trí tuệ tạo chuyển biến thực sự.
Bày tỏ chia sẻ với Chính phủ về những vấn đề này, tuy nhiên, đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, hiện còn những vấn đề bất an mà nhân dân bức xúc như:
Thứ nhất, tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động kiến tạo và liêm chính trong khi đất nước có cả hệ thống chính trị. Chức năng của Chính phủ là kiến tạo nhưng còn hành động và liêm chính tại sao không song hành.
Thứ hai, tham nhũng và lãng phí quá lớn, chưa được chặn đứng là vấn nạn đưa quốc gia đến bờ vực của sa sút lòng tin. Tiền của dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động.
Thứ ba, xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định bền vững của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm. Các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, đặc biệt là nặng chú trọng đầu tư. Hiệu quả đầu tư thấp, nợ công còn cao. Nếu theo chỉ số, mỗi người dân Việt Nam gánh 1.000USD tiền nợ và xu hướng còn tăng trong những năm tới, áp lực trả nợ lớn. Chi đầu tư phát triển chưa ngang tầm, chi thường xuyên gần 70%. Mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng, “làm 1 đồng nhưng xài tới 3 đồng”. .
Thứ tư, theo đại biểu, "đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền. Đáng lo hơn là đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách và đâm thủng pháp luật, minh chứng cho vấn đề này là hiện tượng "chạy" ở Việt Nam, thực tế rất đau lòng, trong bụng mẹ đã "chạy" chỗ sinh đẻ, chập chững đi đã "chạy" trường, học phổ thông các cấp và đại học cũng phải chạy trường, chạy lớp, chạy điểm. Được tuyển dụng thì chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển. Vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, truy tố, chạy án và thậm chí chạy khỏi tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết gì đến vấn đề tội phạm để an thân".
Thứ năm, về vấn đề môi trường, đại biểu quyết liệt khi cho rằng, dân không thể an tâm khi “rừng đã hết, biển gần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau chắc còn trong lịch sử”. Đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số không có trong khi đó đất nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả, thậm chí còn phát canh, thu tô. Chính sách trải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư, sự hời hợt thiếu trách nhiệm trong thẩm định đánh giá từng bước đã biến Việt Nam thành điểm đến của công nghiệp rác, công nghệ lạc hậu và hệ lụy môi trường không sao tả nổi khi sông đã chết, đất chết và từ từ biển chết. "Tiền có thể nhiều đến đâu đi nữa cũng không mua lại được môi trường tươi đẹp đã mất và chúng ta đang mất".
Thứ sáu, về an toàn sống, đại biểu cũng bày tỏ lo lắng khi bữa cơm trong nhà cũng lo vì an toàn vệ sinh thực phẩm, bước ra đường thì sợ vì an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không giám can thiệp vì sợ vạ lây. Mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm trở thành vấn đề đạo đức mang tính phổ biến trong ứng xử của con người.
Kết thúc phần phát biểu, đại biểu Đặng Thuần Phong đề nghị Chính phủ, Quốc hội, nghiên cứu, cân nhắc trong chỉ đạo, điều hành, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong ổn định phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong thời gian tới.
VIDEO
Clip ĐBQH Đặng Thuần Phong nêu 6 vấn đề bất an mà dân bức xúc tại buổi thảo luận
Đăng ký tranh luận với đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay, bà rất tôn trọng tuyên bố của Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Tuy nhiên theo bà, không phải chỉ có một mình Chính phủ làm mà tại TP HCM cũng như nhiều tỉnh, thành đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng rất quyết liệt với ý thức chính trị cao.
"Trong quá trình đó, Đảng và Trung ương có những chỉ đạo về xử lý tiêu cực, tham nhũng, gồm cả xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Có thể chưa được như mong muốn, nhưng những cử tri mà tôi tiếp xúc rất phấn khởi với kết quả bước đầu, hiệu ứng rất tốt. Chúng ta phải thực hiện để Đảng mạnh, dân tin, đất nước phát triển", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.