Nguyên Tổng Giám đốc PMU 18 ra hầu ta về tội tham dự án cầu Bãi Cháy
Chính trị - Ngày đăng : 10:51, 13/04/2012
Nguyên Tổng Giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng trước vành móng ngựa
Trong số 9 bị cáo, có 8 trường hợp bị VKS truy tố về tội “Tham ô tài sản”, gồm: Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Vũ Nam (nguyên Trưởng phòng Triển khai dự án 6 - PID 6), Nguyễn Công Dũng (chuyên viên PID 6), Nghiêm Phú Sơn (Phó phòng PID 6), Lê Minh Giang (Phó phòng PID 5), Nguyễn Hữu Minh (kỹ sư Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1, Giám đốc điều hành gói thầu BC1 tại dự án cầu Bãi Cháy), Nguyễn Hữu Long (Giám đốc điều hành gói thầu BC3), Trần Đức Hùng (Chánh Văn phòng Tư vấn, dự án cầu Bãi Cháy). Riêng bị cáo Đỗ Kim Quý (nguyên Phó Tổng Giám đốc) bị truy tố về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Tại phiên xử, có tổng cộng 12 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Riêng bị cáo Dũng mời 3 người, gồm các luật sư: Vũ Xuân Nam, Ngô Ngọc Thủy và Hoàng Văn Dũng.
Trong phần thủ tục, Luật sư Ngô Ngọc Thủy cho rằng cần thiết phải hoãn phiên tòa vì Bộ Giao thông - Vận tải đã từ chối là nguyên đơn dân sự của vụ án. Ông Thủy nhấn mạnh: "Nếu không có bị hại thì không thể xác định được tài sản của ai bị mất. Vậy các bị cáo tham ô tiền của ai?".
Sau khi Hội đồng xét xử hội ý, đã quyết định: Tòa xác định Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Bộ Giao thông - Vận tải) là nguyên đơn (bị hại) trong vụ án này. Tuy nhiên, việc đại diện của công ty này không đến là tự tước mất quyền lợi của mình. Vì vậy, Tòa vẫn tiếp tục xét xử.
Theo cáo trạng, tháng 7-1998, Thủ tướng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Bãi Cháy trên quốc lộ 18 tại tỉnh Quảng Ninh với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Bộ Giao thông - Vận tải được giao làm chủ đầu tư. Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18) là đại diện chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý và thi công dự án. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các bị cáo có tên nêu trên đã cấu kết lập khống danh sách, chứng chỉ thanh toán lương cho nhân viên tư vấn bổ sung, chiếm đoạt hơn 3,4 tỷ đồng tiền lương...
Trong số tiền chiếm đoạt được, Bùi Tiến Dũng dùng 500 triệu đồng để làm quà chia tay Phó Tổng Giám đốc Đỗ Kim Quý khi về hưu. Mặc dù biết đây là tiền chiếm đoạt từ dự án, nhưng ông Quý không nộp lại cơ quan chức năng mà dùng để sử dụng chi tiêu cá nhân. Vì vậy, ông Quý bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Trong phần thẩm vấn chiều 27-6, Hội đồng xét xử đã xét hỏi các bị cáo xung quanh việc lập hồ sơ khống để rút tiền lương của nhân viên tư vấn bổ sung. Theo đó, Hội đồng xét xử tập trung làm rõ hành vi của bị cáo Bùi Tiến Dũng với tư cách đại diện cho chủ đầu tư dự án đã đồng tình cho Phạm Tiến Dũng và nhiều người khác lập danh sách nhân viên tư vấn khống để rút tiền của Nhà nước. Trong số tiền lương khống được duyệt, ông Bùi Tiến Dũng trực tiếp ký duyệt hơn 2,7 tỷ đồng lương, tạo điều kiện cho nhóm của Phạm Tiến Dũng chiếm hưởng gần 1,6 tỷ đồng…
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 6-7. Đây là phiên tòa thứ 3 được mở để xem xét trách nhiệm hình sự của bị cáo Bùi Tiến Dũng trong thời gian làm Tổng Giám đốc PMU 18. Trước đó, ông Dũng đã bị phạt 13 năm tù về tội “Đánh bạc” và “Đưa hối lộ”; 3 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Hiện tại, ông Dũng đang thi hành 2 bản án này.
Kim Anh