Khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30

Chính trị - Ngày đăng : 10:57, 13/08/2018

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12”, khai mạc sáng nay (13/8) tại H Nội.

Khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có hơn 700 đại biểu, bao gồm các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; Lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cùng Lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tham dự và phát biểu tại các phiên họp của Hội nghị.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh từ sau Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, Bộ Ngoại giao tiếp tục triển khai đồng bộ và mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội XII, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, an ninh và trật tự xã hội, nâng cao vị thế của đất nước.

Tiến trình hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện, chủ động và tích cực cả về chủ trương và hành động, góp phần tranh thủ được nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển và tạo động lực thúc đẩy cải cách, đổi mới trong nước.

Quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, khu vực và các nước lớn từng bước đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Công tác đối ngoại đa phương được chú trọng và triển khai hiệu quả, Việt Nam tham gia và đã có những đóng góp tích cực vào việc củng cố và thúc đẩy hình thành các liên kết quốc tế và khu vực, nổi bật là hoàn thành tốt vai trò nước chủ nhà Năm APEC 2017, qua đó gia tăng gắn kết lợi ích và nâng cao uy tín, hình ảnh của đất nước.

Hội nghị Ngoại giao lần này có nhiệm vụ đề ra các biện pháp cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XII trong tình hình mới; đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đối ngoại nổi lên hiện nay và trong những năm tới; chuẩn bị cho việc Việt Nam đảm nhiệm các trọng trách quốc tế quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; chủ động và tích cực thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thế giới, khu vực từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, các vấn đề đối ngoại có tác động lớn đến môi trường an ninh-phát triển của đất nước; tổng kết, kiểm điểm việc triển khai các nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội XII và Chương trình hành động Hội nghị Ngoại giao 29; định hướng công tác đối ngoại trong 3 năm tới.

Trong bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” đã đề cập: 

Hơn hai năm qua, Ngành ngoại giao đã trình Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ nhiều đề án lớn về đối ngoại, trong đó có chủ trương về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương. Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh và đưa quan hệ vào chiều sâu với các nước láng giềng, ASEAN, các nước lớn, đối tác chiến lược, toàn diện và bạn bè truyền thống. Trong đó, hoạt động đối ngoại cấp cao đóng vai trò nòng cốt với trọng tâm là xây dựng và củng cố lòng tin, làm sâu sắc và tạo đột phá trong quan hệ với các nước. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 188 nước, với mạng lưới 27 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cục diện quan hệ rộng lớn này không chỉ góp phần nâng cao vị thế Việt Nam mà còn là cơ sở quan trọng, đóng góp trực tiếp vào bảo vệ và phát triển đất nước.

Trên cơ sở tạo dựng nền tảng tin cậy chính trị, ngành ngoại giao đã làm tốt vai trò tạo kết nối, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường, gia tăng đan xen lợi ích, phục vụ phát triển.Việt Nam hiện xây dựng khuôn khổ thương mại tự do với gần 60 nước (chiếm 59% dân số, 61% GDP và 68% thương mại thế giới) thông qua 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Ở cấp địa phương, từ 2016 tới nay, với sự đồng hành của Bộ Ngoại giao, các địa phương đã rất chủ động triển khai hội nhập quốc tế, ký 420 các thỏa thuận quốc tế trong tất cả các lĩnh vực, phát huy thế mạnh từng vùng miền, từng ngành hàng. Đây là những tiền đề quan trọng tạo thêm xung lực mới để đất nước bước vào giai đoạn tăng trưởng mới bền vững hơn, thực chất hơn.

Chúng ta đã phát huy tốt các cơ chế đa phương để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam cũng như tham gia giải quyết những thách thức chung của cộng đồng quốc tế. Hoạt động đối ngoại đa phương đã chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp, xây dựng định hình các thể chế đa phương.” Với vai trò chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, xuất phát từ lợi ích của chính người dân, doanh nghiệp, ta đã lựa chọn chủ đề và các ưu tiên phù hợp với quan tâm chung, điều hòa khác biệt, tạo đồng thuận chung, từ đó đóng góp tích cực cho việc định hướng cho giai đoạn phát triển mới ở khu vực với “Tầm nhìn APEC sau 2020.”

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ nổi lên mạnh mẽ, APEC 2017 không chỉ giữ được đà mà còn thúc đẩy liên kết, kết nối và thương mại tự do trong khu vực. Cũng ngay trong tuần lễ cấp cao, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của ta đã ký 121 thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 20 tỷ USD với các đối tác. Thành công của năm APEC 2017 cho thấy dù không phải là một nước lớn, nhưng Việt Nam có vị thế và uy tín để nghĩ lớn và hành động lớn, nhất là khi để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bên cạnh đó, ta đã thể hiện vai trò “thành viên có trách nhiệm” tại ASEAN, Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế-xã hội (ECOSOC), Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), các cơ chế Mekong...

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ luôn là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt của ngành Ngoại giao. Trong những năm qua, ngành ngoại giao luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương của ta và cùng các nước liên quan nỗ lực xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định hợp tác để phát triển.

Trong vấn đề Biển Đông, mặc dù vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, được dư luận quốc tế hết sức quan tâm, ta đã kiên quyết, kiên trì và triển khai nhiều biện pháp đấu tranh hiệu quả với các vi phạm, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982. Chúng ta cùng ASEAN và Trung Quốc đang thúc đẩy đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông(COC) hiệu quả, có giá trị pháp lý ràng buộc và thực chất. Đồng thời, ta cũng tích cực mở rộng hợp tác biển với các nước trong và ngoài khu vực; trao đổi, đàm phán thu hẹp khác biệt, tăng cường xây dựng lòng tin.

Bảo vệ lợi ích của công dân, kiều bào luôn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong tổng thể công tác đối ngoại. Từ 2016 tới nay, ngành ngoại giao tiến hành bảo hộ cho hơn 16.000 lượt công dân ở nước ngoài và hơn 5.000 ngư dân. Các chủ trương, chính sách hỗ trợ kiều bào ta ở nước ngoài được triển khai đồng bộ góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khơi thêm nguồn lực cho đất nước từ 4,5 triệu kiều bào.

Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được coi trọng trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, nâng cao vị thế và gia tăng sức mạnh mềm của đất nước. Ngoại giao văn hóa được triển khai hiệu quả với trọng tâm là "Đề án tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài.” Từ 2016 tới nay, có thêm tám di sản được UNESCO công nhận nâng tổng số lên 38 danh hiệu. Các danh hiệu này đóng góp tích cực cho việc quảng bá hình ảnh, thu hút du lịch,củng cố cơ sở cho phát triển bền vững của nhiều địa phương. Thông tin đối ngoại đã tạo hiệu ứng tuyên truyền tích cực về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành tựu phát triển của đất nước.

Xuân Lan