Luật thi hnh án hình sự cần được ban hnh sớm

Chính trị - Ngày đăng : 19:04, 13/09/2018

Chiều nay 13/9, UBTVQH thảo luận về dự án Luật thi hnh án hình sự (sửa đổi). Các ý kiến cho rằng, các Luật về tố tụng mới đã được thng qua v c hiệu lực thi hnh, vì vậy việc sửa Luật thi hnh án hình sự phải kịp thời, khẩn trương.

Đề nghị thông qua dự án Luật tại 3 kỳ họp

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội, dự án Luật có phạm vi sửa đổi và tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (THAHS). Tuy nhiên, do sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nên Chính phủ đề nghị Quốc hội cho thay đổi phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự án Luật thành Luật THAHS (sửa đổi).

Luật thi hành án hình sự cần được ban hành sớm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm 

Theo đó, so với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự thảo Luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án, quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp… Thực tế, dự thảo Luật đã sửa đổi rất nhiều nội dung, trong đó có nhiều chính sách lớn, cơ bản của Luật hiện hành. Cụ thể, sửa đổi 92/182 điều; bổ sung 52 điều và thay đổi cơ bản về kết cấu của Luật (bổ sung 01 chương, 07 mục, bãi bỏ 01 mục, 04 điều).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp (UBTP) tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc mở rộng phạm vi sửa đổi và đổi tên gọi của dự án Luật thành Luật THAHS (sửa đổi).

Tuy nhiên, việc thay đổi phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự án Luật như đề nghị của Chính phủ sẽ đặt ra yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện thêm nhiều vấn đề như: tổng kết thực tiễn thi hành toàn diện, đầy đủ hơn; đánh giá kỹ tác động nhiều chính sách mới (như việc thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại (PNTM), về cụ thể hóa quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân theo Hiến pháp)…

UBTP đề nghị, trường hợp Quốc hội chấp nhận đề nghị của Chính phủ về thay đổi tên gọi, phạm vi sửa đổi của dự án Luật thì cũng cần quyết định lùi thời gian thông qua dự thảo Luật so với thời gian đã được quyết định trong Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh. Trong thời gian Luật THAHS chưa được sửa đổi thì những vấn đề vướng mắc trong việc THAHS liên quan đến các đạo luật về tư pháp mới được ban hành, trước mắt cần giao cho các cơ quan tư pháp phối hợp hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, đa số ý kiến UBTP đề nghị Ủy ban thường vụ quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án Luật tại 3 kỳ họp.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2018), Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự án Luật, sau đó Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019), xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019) theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy đề xuất lùi thời hạn xem xét dự án Luật, song cơ quan thẩm tra cũng đã nêu lên một số vấn đề tồn tại của dự thảo Luật.

Đó là, theo dự thảo Luật, nhiệm vụ THAHS đối với pháp nhân thương mại (PNTM) được giao cho 2 hệ thống cơ quan: Cơ quan THAHS (Cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh, Cơ quan THAHS cấp quân khu) và Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với PNTM.

UBTP cho rằng, thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với PNTM là vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Vì vậy, việc xây dựng mô hình tổ chức cơ quan THAHS đối với PNTM cần được cân nhắc thận trọng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm tính khả thi. Đa số ý kiến UBTP đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo quy định của pháp luật trong nước và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất mô hình phù hợp theo hướng, cơ quan THAHS chuyên trách phải chịu trách nhiệm chính trong tổ chức THAHS đối với PNTM và áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Cần được ban hành sớm

Một số ý kiến cho rằng, dự án Luật này đã được điều chỉnh lùi thời gian trình Quốc hội từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6, việc chậm sửa đổi, bổ sung Luật ảnh hưởng đến việc triển khai các đạo luật về tư pháp mới ban hành. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần khẩn trương chuẩn bị dự án Luật theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội với phạm vi sửa đổi, bổ sung phù hợp, nhằm kịp thời triển khai thực hiện quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) về tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với PNTM. Những vấn đề khác cần tiếp tục nghiên cứu kỹ để đưa vào khi sửa đổi toàn diện Luật.

Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Khắc Định cho rằng, Pháp nhân thương  mại là vấn đề rất mới, khó và chưa có tiền lệ áp dụng tại Việt Nam nên cần có sự phối hợp của các cơ quan với nhau về vấn đề này.

Còn theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban CVĐXH cũng nhận xét, dự thảo Luật đã có nhiều quy định mang tính nhân đạo và đảm bảo các quyền con người của phạm nhân. Như đã bỏ nguyên tắc kết hợp giam giữ và trừng trị; các quy định liên quan đến việc nuôi con dưới 36 tháng tuổi của phạm nhân; dự thảo cũng quy định việc giam giữ riêng đối với phạm nhân nữ hay chi một phần thu nhập của phạm nhân để gửi về nuôi con dưới 36 tháng tuổi…. cũng là chủ trương nhân đạo.

Luật thi hành án hình sự cần được ban hành sớm

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cũng đã phát biểu ý kiến và cho rằng: BLHS năm 20, BLTTHS năm 20 mới ban hành và đã có hiệu lực pháp luật. Triển khai thi hành các Luật này, Tòa án đã đưa xét xử nhiều vụ án, trong đó có rất nhiều bản án sẽ thi hành theo Luật mới, vì vậy việc sửa Luật THAHS khẩn trương và thông qua tại hai kỳ họp là vấn đề rất cần thiết.

Với những bất cập, hạn chế, UBTP đã nêu hy vọng cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu, hoàn thiện khẩn trương, còn phía Tòa án, nếu cần thiết sẽ cử thêm chuyên gia tham gia vào việc sửa đổi Luật để có thể được Quốc hội thông qua trong  thời gian sớm nhất.

TANDTC đã có Nghị quyết hướng dẫn điều 166 BLHS 20 về tha tù trước thời hạn có điều kiện, nhưng đó chỉ là quy định nội dung, điều kiện thi hành, việc phải thi hành ra sao thì phải căn cứ vào Luật THAHS. Vì vậy rất cấp thiết phải đẩy nhanh tiến độ để có thể ban hành được Luật này trong thời gian sớm nhất và chất lượng phải đảm bảo.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho rằng, Luật này có rất nhiều vấn đề mới, khó và chưa có thực tiễn thi hành như trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nên cần phải xem xét kỹ, thận trọng. Bà Nga cũng băn khoăn khi giao cả trách nhiệm thi hành án hình sự cho các cơ quan quản lý khác khi họ không có chuyên môn thi hành án hình sự…

Nói thêm về sự khó khăn này, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền cho hay, Bộ Công an là đầu mối quản lý thực hiện việc thi hành án hình sự, còn cơ quan quản lý doanh nghiệp chỉ phối hợp khi phải thi hành án hình sự đối với pháp nhân. Trong Luật DN hiện hành, không có quy định của pháp luật về đình chỉ hoạt động DN. Tuy nhiên, trường hợp Tòa án tuyên pháp nhân bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn chẳng hạn, thì vấn đề người lao động như thế nào, nghĩa vụ, bảo hiểm của doanh nghiệp đó sẽ giải quyết ra sao,…vậy nên nếu không có sự phối hợp của cơ quan này sẽ rất khó khăn. Vì hoạt động của pháp nhân thương mại có rất nhiều vấn đề như đã nêu trên thì việc tổ chức thi hành như thế nào, quy trình thủ tục ra sao nếu không sẽ ảnh hưởng không chỉ đến doanh nghiệp mà còn cả những người liên quan…

Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo trên cơ sở các ý kiến đóng góp, đề nghị Bộ Công an tiếp thu để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và Quốc hội sẽ quyết định việc thông qua dự án Luật này trong 2 hay 3 kỳ họp.

Mai Thoa